Chuyện ở Đà Lạt

Mình chẳng biết phải đặt tựa gì cho bài viết này nữa, chỉ là đột nhiên muốn viết về nơi này.

Mọi chuyện đã bắt đầu từ Đà Lạt, rạn nứt ở Đà Lạt, và dường như cũng đã kết thúc ở Đà Lạt.

Lần đầu tiên

Lần đầu tiên mình đến Đà Lạt là ngày 13 tháng Mười Hai năm 2020. Tuy vậy, lần đó Đà Lạt không phải điểm đến chính của mình, mình chỉ ở đó hơn một ngày, sau đấy sẽ lên Đăk Nông để bắt đầu một tháng tình nguyện.

Ở tuổi 28, mình đã định kiếm tìm điều gì ở những vùng đất xa xôi đó? Mình không biết, mình không nghĩ nổi. Mình chỉ muốn dành tất cả niềm tha thiết ít ỏi còn lại của mình với cuộc đời này để mà chạy trốn. Đi đâu cũng được, cứ đi cái đã.

Ở sân bay Liên Khương, mình đã gặp một cô bé vừa bay cùng chuyến với mình. Ngân nhỏ hơn mình ba tuổi, em đi du lịch một mình, và đã từng tới Đà Lạt vài lần. Hai chị em đi chung xe bus về thành phố, trò chuyện một hồi thế nào mà hai đứa quyết định ở chung phòng. Xe vào đến thành phố, tụi mình xuống xe ở 10 Hồ Tùng Mậu rồi cuốc bộ về chỗ nghỉ. Đà Lạt lúc đó trời nắng nhẹ, hình như vừa có một cơn mưa trước đó không lâu, mặt đường vẫn còn ướt.

Tối hôm ấy, tụi mình đi ăn lẩu gà lá é, rồi đi bộ dạo quanh hồ Xuân Hương, phố đi bộ. Lịch trình này với mình đã là quá đủ, trước đó mình còn chẳng lên kế hoạch gì hết.

Sáng hôm sau tụi mình đến một quán cà phê nằm trên sườn đồi và ở đó đến tận trưa. Tụi mình ngồi trên hiên nhà bằng gỗ, ngắm nhìn đồi núi, nhà lồng, và ánh nắng tràn ngập khắp nơi, hầu như không ai nói với ai điều gì, chỉ yên lặng chìm đắm vào những suy tư riêng. Tối hôm trước Ngân nói với mình “em cũng không hiểu sao lại nảy ra ý đi chung với chị, có lẽ vì lúc gặp chị ở sân bay, em thấy chị buồn quá”. Ồ vậy là sự buồn thảm của mình hiện ra rõ ràng đến thế cơ đấy. Đúng là mình rất buồn. Đã nhiều tháng nay, hầu như đêm nào mình cũng khóc, và đôi khi, ban ngày cũng vô thức rơi nước mắt lúc nào chẳng hay. Mình đã sống tăm tối, lầm lũi như một cái bóng vô hồn. Vậy mà lúc này, ở quán cà phê, ở một nơi xa xôi, khi ánh nắng sớm đang rọi chiếu khắp người, mình thấy sự sống dường như đã nhen nhóm trở lại.

Sáng đó, mình đọc một cuốn sách mượn của quán, một cuốn sách về Đà Lạt. Trong sách có đoạn thế này:

Những ngày này anh đang chơ vơ, không một hứng thú nào còn trong anh để làm việc. Tên anh đã có trong khóa 20. Chỉ còn đợi giấy đến gọi nữa là đi. Đời quân ngũ anh vẫn thường nói với Ánh là nhọc nhằn lắm. Chưa hiểu anh sẽ có những quyết định nào vào giờ cuối. Một cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn nhẫn mang sẵn từ khời đầu những mầm mống vô lý cùng cực của nó, anh đang lao đao trên một chọn lựa quyết định cuối cùng.

Cứ như thế mà thôi. Cũng sắp hết tháng 3. Tháng 4 lại bắt đầu. Cuối tháng 4 anh đã nghỉ hè rồi. Những ngày mùa hạ anh có được về đó nữa không để nhìn má Ánh hồng hơn bao giờ hết.

Đêm rất buồn rất lạnh và anh buông mình trôi qua những phố phường với một thể xác mê mỏi, lênh đênh.

Như vậy đó Ánh.

Đêm Đà Lạt cũng buồn như mắt Ánh ngàn năm.

Suốt hai năm 1964 và 1965, Trịnh Công Sơn hoàn toàn thuộc về cao nguyên. Đó là giai đoạn hạt giống ẩn mình trong đất, đầy khó nhọc để chịu thối rữa, rồi từ những góc đồi lạnh lẽo của ngày mù sương, đơm cho đất đai thêm một mầm xanh.”

Thế đấy, có cuộc đời nào lại dễ dàng đâu, có cuộc đời nào mà không chất chứa đầy nỗi hoang mang, dù đó là một cuộc đời lớn, hay một cuộc đời bé xíu như của mình. Sống không bao giờ là dễ dàng cả. Và hóa ra mình được an ủi nhất là khi ngắm nhìn một nỗi buồn khác, trong một cuộc đời khác.

Sáng hôm sau, mình rời Đà Lạt sớm, đón xe khách lên Đăk Nông và chính thức dấn thân vào một hành trình đầy mơ hồ, vô định. Ngân đã tiễn mình một chút. Thật là một điều tình cờ ngọt ngào khi hai con người nhỏ bé với tâm hồn đầy xáo trộn va vào nhau và đi cùng nhau một đoạn êm đềm như thế.

Lần thứ hai, tình yêu chớm nở cùng mùa xuân

Chỉ hơn một tháng sau lần đầu tiên, mình lại có mặt ở Đà Lạt. Anh ấy đã chạy xe máy từ Đăk Nông đến để đón mình.

Lúc viết những dòng này, một loạt khung hình kèm âm thanh, mùi hương đang chạy qua đầu mình.

Chai nước lọc có nắp màu xanh da trời, đã tháo nhãn mác mà anh ấy đem theo.

Vườn rau, rặng núi, nhà thờ nằm dọc hai bên đường ở Đức Trọng.

Đèo Prenn mát lạnh, không khí tràn ngập mùi gỗ thông – mùi hương mà anh ấy yêu thích.

Hồ Tuyền Lâm xanh ngắt, lặng thinh.

Một quán cà phê ở gần ga cáp treo. Anh ấy đang hỏi mình xem nên chọn tông màu ấm hay lạnh cho bức ảnh đồ ăn vừa chụp.

Con dốc nhỏ dẫn về ngôi nhà trọ màu vàng.

Cây long não cổ thụ ở góc đường.

Chợ đồ cũ.

Chiếc ghế đá ven hồ Xuân Hương.

Bậc thềm trước tượng Yersin. Tán cây long não thấp thoáng ánh trăng.

Giai điệu vang lên ở Khu Hòa Bình. “Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên, và em đã biết thương nhớ, biết giận hờn. Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn, và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh …”

Con dốc dẫn xuống quán bánh căn Cây Bơ.

Quán cà phê Bà Năm.

Hàng mai anh đào ven hồ.

Ánh nắng sớm chiếu xiên qua rặng thông bên đường Hùng Vương.

Ánh mắt, nhịp thở, giọng nói, hơi ấm.

Tất cả vẫn còn đó, nhưng chẳng còn mang ý nghĩa gì.

Lần thứ 3, rạn nứt

Lần thứ 3 mình tới Đà Lạt, ngày 11 tháng Ba năm 2021. Na đến đón mình ở 10 Hồ Tùng Mậu.

Mình tá túc ở nhà vợ chồng Na chắc phải tầm hai tuần.

Mỗi ngày mình và Na đều lang thang khắp nơi cùng nhau: lên đồi thông nhặt quả thông, củi khô về trưng, ngắt cỏ dại về cắm, đi xin gỗ bỏ của nhà người ta, đi tám chục vòng quanh thành phố để xin một cái xô nhựa, đến vườn nhà chị Dương, anh Vang chơi, đi đàn đúm ở tiệm bánh của Tuta,  … Thiệt ra tụi mình cũng không thân cho lắm, tính cách thì rất chi là khác biệt, nhưng chẳng hiểu sao mình lại thấy vui vẻ, thoải mái khi đi cùng Na đến thế. (Hy vọng là Na cũng thấy vậy.)

Ở nhà Na, mình ngủ trên căn gác gỗ nhỏ, còn vợ chồng Na ở tầng dưới. Mỗi sớm thức giấc, nắng sẽ rọi vào tận giường mà đánh thức con mèo lười là mình. Mình chỉ cần mở mắt ra và cứ nằm yên đó là có thể ngắm nhìn đồi thông phía xa qua khung cửa sổ, ngắm cây bơ lay lay cành lá. Căn gác như một thế giới nhỏ của riêng mình. Tối tối, mình đều ở trên căn gác đó gọi điện nói chuyện với anh ấy, tíu tít khoe đủ chuyện, “anh à, nhà của Na với anh Q đẹp và ấm cúng lắm” – “vậy hả, như nào thế, em có thích sau này mình sống ở ngôi nhà như thế không?”; “anh này, Na khéo tay và tháo vát lắm nhé, Na trang trí nhà đẹp lắm, còn em chẳng biết làm gì cả”; “hôm nay em với Na đi chơi ở một đồi thông gần nhà, anh mà ở đó chắc sẽ thích lắm, nhìn thấy thông làm em lại càng nhớ anh”, … Ngày qua ngày trôi qua như thế, mình sống nhờ ở nhà của một đôi vợ chồng trẻ và lúc nào cũng thầm mơ mộng về ngôi nhà cho tổ ấm tương lai của chính mình.

Cho đến một hôm, cuộc trò chuyện đã không còn vui vẻ. Lời động viên nhường chỗ cho lời trách móc. Lời hẹn ước được thay bằng câu buông xuôi. Những si mê đã biến thành mỏi mệt.

Thế là cũng tại căn gác ấy, thế giới nhỏ của mình đã sụp đổ. Chính mình cũng phải bất ngờ trước sự sụp đổ quá đỗi nhanh chóng ấy. Mình tưởng rằng bản thân đã mạnh mẽ hơn cơ đấy, mình tưởng đã vượt qua những tổn thương giày vò mình suốt bao năm trời. Nhưng không, chúng vẫn còn ngay đó, trong chính con người mình. Mình đã định chạy đi tận đâu để trốn chúng vậy chứ.

Mình đã khóc lụt cả căn gác nhà Na. Mắt mình không còn mở nổi bình thường, trời sáng hay tối mình cũng không rõ nữa, giờ thì mình đã hiểu cái chuyện khóc đến mù mắt là có thật.

Đến ngày thứ ba, Na đã phải lôi mình ra khỏi nhà, chở mình đi mua khăn rằn để còn đi Tà Năng. (Trời ạ, mình còn phải đi Tà Năng nữa.) Ngay khoảnh khắc bước ra khỏi nhà, ngước nhìn bầu trời, mình mới nhận ra ở ngoài căn gác kia, cuộc đời vẫn chảy trôi bình thường. Bầu trời vẫn xanh rộng đến thế, ánh nắng vẫn rực rỡ đến thế, mây vẫn trắng bồng bềnh, đồi thông vẫn ngát xanh, hoa vẫn nở đầy đường, mà sao mình cứ mãi nhắm nghiền đôi mắt.

Ngồi sau xe Na, mình đã thôi không nức nở nữa, nhưng nước mắt vẫn cứ vô thức tuôn rơi, lăn dài trên má, rồi nhanh chóng được gió hong khô. Giá như muộn phiền này cũng được gió thổi bay dễ dàng, không dấu vết như thế.

Rồi mình đi Tà Năng với Na, và rời Đà Lạt vài ngày sau đó, với một vết rạn trong tim.

Lần thứ tư, lần cuối

Ngày 1 tháng Bảy năm 2021.

Có thật nhiều cách hiểu cho lần cuối này.

Lần cuối mình đến Đà Lạt trong năm nay.

Lần cuối mình kể về chuyện ở Đà Lạt trong bài viết này.

Lần cuối mình đi Đà Lạt cùng anh ấy (trong đời). - Đúng rồi đó, mình đã lại đi Đà Lạt cùng anh ấy.

“Anh đang hạnh phúc chứ?” – “Anh chưa từng hạnh phúc nhiều đến thế.”

---

Đà Lạt không phải hiện thực. Đà Lạt chỉ là một giấc mơ.

Đà Lạt là nơi bắt đầu, và cũng là nơi kết thúc giấc mơ ấy.

Vậy nhưng phải đến tận hôm nay, mình mới sực tỉnh khỏi cơn mê dài đó. Tỉnh giấc, mình thấy mình vẫn đang ở nhà với mẹ, vẫn mang đôi mắt sưng húp vì khóc hằng đêm.

Trong giấc mơ ấy, ngày này của năm trước, mình đang chuẩn bị điền đơn đăng ký đi tình nguyện ở Đăk Nông, chuẩn bị cho một cuộc trốn chạy. Mình có bao giờ ngờ sau đúng một năm mình đã chạy về chính nơi bắt đầu.

Trong giấc mơ ấy, có một người mới đây còn là cả tương lai của mình, mà giờ bỗng chốc trở nên thật xa lạ.

Trong giấc mơ ấy, mình đã vui vẻ, hạnh phúc lắm, mà giờ tỉnh giấc lại thấy buồn quá chừng. Có lẽ vì thực ra, hạnh phúc, niềm vui, vốn chỉ có trong giấc mơ của riêng mình mà thôi.

Rút cuộc thì đâu mới là thật, và đâu chỉ là huyễn hoặc của bản thân.

Giờ mình đã không thể chạy trốn nữa.

---

 “Nếu ta nghe thinh lặng quá dài

Chắc có lẽ cuộc đời đang khẽ thở

Cũng như

Sau tất cả những cuồng điên rực rỡ

ta trở về

khép cửa

chờ

ta.

Ta trở về tìm một đóa hoa

đang rướn nở từ trong kẽ tối

đóa hoa nhợt nhạt không đủ mặt trời

không nở cuồng đẹp vội

không khát một ánh nhìn

không tha thiết gì ai

chỉ nở mừng bóng tối nguôi ngoai.

Nếu ta nghe trong say đắm bão bùng

đã nhuốm phôi phai

thì có lẽ tình yêu đang kiệt sức

cũng bởi vì tình yêu không thể mất

nên tình yêu nằm ẩn nhẫn im thinh.

Nếu ta nghe ra tất cả những mong manh

trừ vết loang bóng tối của chính mình

thì có lẽ

ta chưa nghe gì cả."

#nguyenthienngan

---

12/2022

Mình không còn buồn nhiều nữa rồi, không còn khóc lóc trước những phai nhạt, chia ly.

Tình yêu đôi lứa không phải tất cả, nhưng quả thật có những bài học có lẽ được học hiệu quả nhất thông qua loại kết nối này. Mình vẫn đang cố gắng học hành chăm chỉ, tử tế, để mối nhân duyên ấy hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của nó.

Chúc cho người bạn đồng hành một thời sẽ bỏ lại những nặng trĩu và bước tiếp trong bình an, như cái tên của anh.

Cảm ơn vì tất cả.

Nhận xét