Bất hạnh là một tài sản - một mình ở Châu Âu | Phan Việt

 

Mình đã đọc khá nhiều sách du ký, nhưng cuốn sách có thể khiến mình đủ hứng thú mà đọc liền mạch đến hết thì không nhiều. Bất hạnh là một tài sản – một mình ở Châu Âu là một trong những cuốn không nhiều đó.

Một chuyến du ngoạn giàu cảm xúc đan xen mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, giữa Châu Âu hiện hữu và Châu Âu trong tâm tưởng.

Một hành trình nội tâm xuyên suốt được chắp nối từ những mảnh ghép rời rạc. Một chuyến phiêu lưu đã có không ít người bắt đầu, nhưng có lẽ ít ai bước được đến cùng. Không ngừng tự vấn, nhìn ngắm, lắng nghe, bóc tách từng lớp nội tâm để kiếm tìm một đáp án - những điều ấy đối với mình luôn thật lôi cuốn và rung động. Mình tin rằng hành trình này không dễ dàng, thậm chí giằng xé, đau đớn hơn bất kỳ chuyến đi nào, và hành trình của mỗi người mỗi khác, nhưng đích đến chắc hẳn đều đẹp đẽ hơn tất thảy mọi kỳ quan trên đời.
Cuốn sách này còn không biết bao lần khiến mình xúc động bởi ngôn từ của tác giả, một thứ văn chương đúng nghĩa, theo ý mình là vậy.

Mình trích ở đây một số đoạn của cuốn sách mà mình đặc biệt yêu thích.

 “Sợ thì cũng phải làm”

Rome

“Người ta bảo mọi con đường đều dẫn về thành Rome, nhưng đến Rome rồi thì đi đâu?”

---

“Cái mà tôi chú ý nhất trong ngày hôm nay là những phòng xưng tội bằng gỗ đặt dọc hai bên sảnh chính của nhà thờ Santa Maria Maggiore. Có gần hai mươi phòng và người xưng tội có thể xưng tội bằng nhiều thứ tiếng – Ý, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Có một phòng mà cha nghe xưng tội là người Việt Nam: cha Joseph Trần. Lúc tôi ở trong nhà thờ, có một phòng xưng tội sáng đèn; rồi một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đến quỳ ở bục, chắp tay, cúi đầu, lầm rầm xưng tội chừng mười phút. Trông ông ta rất thành kính và đau khổ.

---

Ý nghĩ cuối cùng của tôi trước khi chìm vào giấc ngủ là: Không biết tội lỗi được xưng nhiều nhất ở Rome là tội gì? Và tội lỗi mà con người thường xuyên mắc phải nhất là tội gì?”

---

“Tôi không sao có thể tin Chúa? Thế thì những người tin Chúa là như thế nào? Cái gì làm cho tôi không thể tin mà họ lại tin? Tôi chắc chắn người Mỹ không phải “những người yếu đuối, không làm chủ được cuộc sống của mình”; tại sao đa phần người Mỹ tin Chúa? Và thực tế là hơn hai tỷ người trên thế giới đang tin Chúa. Hơn thế, nếu chỉ lựa chọn tin Chúa nhưng vẫn sống cuộc sống thế tục thì cũng không sao, nhưng còn những người vào nhà dòng để toàn tâm toàn ý phụng sự Chúa? Cái đức tin ấy của họ là thế nào, cái đời sống ấy là như thế nào? Không ít người cho rằng những người tu hành sống đời khổ hạnh, thậm chí hành xác, không có tự do. Nhưng nhìn chị Mai, tôi không thấy bóng dáng khổ hạnh, cũng không có bóng dáng sự tù túng. Trên mặt chị ít sự khổ đau hơn hầu hết những người “vô thần”, “tự do” mà tôi gặp.”

---

“Trên đường từ bảo tàng Vatican sang nhà thờ, tôi nhìn thấy nhiều linh mục mặc áo thụng đen và các bà sơ mặc áo thụng xanh nhạt nghiêm trang đi ra đi vào các cánh cổng có lính gác. Họ băng qua đường, chậm rãi bước trên các vỉa hè lát đá, khuôn mặt không thuộc về thế giới này và không hề quan tâm tới những dòng xe cộ đông đúc. Đây hẳn là một cảnh bình thường ở Rome và với chị Mai nhưng tôi phải đứng lại nhìn. Có cái gì đó siêu thực trong chuyển động của những khuôn mặt bình thản ấy giữa phố phường Rome ngập người và xe.”

---

“Một ý nghĩ cứ trở đi trở lại trong đầu tôi: tại sao ở các nền văn minh đầu tiên của con người, đời sống nghệ thuật và tôn giáo – tâm linh được hòa trộn tự nhiên đến thế vào đời sống thế tục? Nghĩa là việc kính Chúa, thờ thần, việc coi con người như một hóa thân hoặc sự nối dài của thế giới thần linh là một việc tự nhiên; trong khi thế giới hiện đại của chúng ta dễ coi điều đó là biểu hiện của sự tăm tối và ngu dốt. Kết luận này có vẻ quá vội vàng và là một sản phẩm chính trị - xã hội nhiều hơn là sự thật. Con người hiện đại có lẽ đã quá tự mãn về quyền lực của mình và trong sự tự mãn đó đã cắt đứt mình khỏi một sợi dây nối với một cái gì đó cao cả, toàn thiện.”

Copenhagen

"Copenhagen nhỏ, hiền hòa. Xe đạp ở khắp nơi. Những ngôi nhà và những con đường đầy cây, gợi cảm giác chúng đã ở đó từ thế kỷ XIV, XV, và sẽ vẫn còn ở đó rất lâu, ngay cả khi phần còn lại của thế giới được số hóa và ảo hóa. Ngay cả khu bến tàu bận rộn nhất của thành phố cũng có một vẻ hiền hòa, nhàn tản, khiến cho tôi nghĩ đến những cảng cá luôn thổi một thứ “gió sầu phương Bắc” ru thành phố ngủ mà An-đéc-xen đã nhắc đến.

Copenhagen thực sự rất chậm và có thể làm nản lòng những người muốn tìm kiếm giải trí. Đây là một thành phố hoặc sẽ bị coi là nhạt nhòa và điển hình của sự già cỗi châu Âu hoặc một thành phố dường như đang điềm tĩnh cưỡng lại sự toàn cầu hóa bằng một ý thức sâu sắc về sự trụy lạc và tự diệt vong trá hình dưới cái vỏ “hiện đại hóa”. Copenhagen vẫn còn đầy bóng dáng của sự cổ điển.

Ở Copenhagen cũng như ở Berlin, ở Rome những ngày này, cảm giác nổi trội nhất trong tôi chỉ là cảm giác về sự di chuyển: tôi chỉ đang trôi từ nơi này tới nơi khác trong một thế giới đã hóa lỏng.

Nhưng vào lúc hoàng hôn ngày hôm nay, khi vượt qua biển Baltic trên chiếc tàu phà khổng lồ Scandlines để trở lại Rostock từ Copenhagen, nhìn những con sóng bị mũi tàu đánh tơi thành những đám bọt trắng trong lúc con tàu tiến nhanh về phía Nam, ngay cả cảm giác di chuyển cũng dừng lại, Tất cả những gì tôi cảm thấy chỉ là một sự bình yên được bỏ neo sâu và chắc chắn bên trong - ở nơi nào thì tôi không biết. Cái khối bình thản ấy không chứa trong nó bất cứ ý nghĩ cụ thể nào nhưng nó làm nước mắt tôi dâng lên. Tôi cứ đứng ngoài boong tàu ngắm mặt trời lặn trong lúc mọi người đã vào cả trong khoang để tránh gió.”

Berlin

“Cho đến nay sau gần mười ngày ở châu Âu, có lẽ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chuyến đi này lại là những khoảng lặng yên. Tôi chắc sẽ cần phải xem lại ảnh và tra cứu sách mới nhớ ra các dữ kiện về các công trình kiến trúc ở Rome, ở Berlin, ở Copenhagen, nhưng tôi chẳng cần bất cứ phương tiện trung gian nào để nhớ lại lúc tôi nằm trên bồn nước lớn ở khu trung tâm Đông Berlin cũ, nhìn trên trời và thỉnh thoảng liếc trộm một đôi tình nhân đang hôn nhau say sưa. Lúc ấy, tôi thấy hạnh phúc cho họ và hạnh phúc cho cả thế giới nữa. Cứ như thể cả vũ trụ đang mỉm cười (giống tôi) khi thấy đôi tình nhân trẻ ấy hôn nhau. Hay như lúc tôi ngắm mặt trời lặn trên biển Baltic từ trong khoang tàu Scandlines từ Copenhagen trở lại Đức. Và như lúc này … trong phòng khách của oma Marta, nhìn ra khu vườn đầy lá của bà, nghe nhạc một chút trước khi trở dậy ra sân bay đi Paris.”

---

“Tạm biệt oma Marta. Tôi không biết có còn gặp lại bà hay không. Năm nay bà đã hơn tám mươi và tôi thì không biết bao giờ mới trở lại Đức. Danke schoen, oma! Chúc oma mọi điều tốt lành, dù bà ở đâu, trong cuộc sống này hay cuộc sống khác, dưới mặt đất hay trên thiên đường.”

Paris

“Tôi đã không liên hệ với bất cứ người bạn Việt Nam nào khi tới Paris lần này vì tôi muốn đi du lịch như một người không nguồn gốc, không quá khứ, không ràng buộc.”

---

“Tôi đã tháo nhẫn cưới khỏi tay từ hôm đến Paris. Tôi không biết tại sao. Chắc chắn tôi không định tán tỉnh, yêu đương hay lừa ai nhưng tôi vẫn cứ bỏ nhẫn cưới ra.

Cái nhẫn cưới này, tôi và Sơn đã mua trong một cửa hàng trang sức ở Boston. Lúc ấy, tôi có hai lựa chọn: một cái nhẫn với một vòng tròn khép kín và mặt kim cương đính bên trên; hoặc một cái nhẫn với vòng tròn không khép kín và một mặt kim cương nằm giữa hai cái đầu không khép kín ấy. Cuối cùng tôi đã chọn cái thứ hai. Trong suốt những năm đeo cái nhẫn này, ngón tay tôi thỉnh thoảng lại trầy bởi vì bị cái đầu nhọn kim loại của vòng tròn không khép kín đâm. Chị gái tôi – một người tương đối mê tín – đã nói với tôi khi nhìn thấy cái nhẫn rằng nhẫn thế này là biểu tượng của xa cách, hai người không làm thành một vòng tròn.  Tôi đã cười, nói chị ấy vớ vẩn. Tôi cũng đã nghĩ những điều khác là vớ vẩn. Ví dụ như Sơn chưa bao giờ đeo nhẫn cưới và tôi chưa bao giờ bắt anh phải đeo.

Nhưng có thể, chúng không vớ vẩn như tôi tưởng? Có thể, để có một cuộc sống vợ chồng lâu bền thì cần có cả những thứ thủ tục, những khuôn khổ, những quy tắc mà người ta phải tuân theo để cầm cương cái bản năng cá nhân luôn dễ dàng hư hỏng khi được dung túng?

Cả hai chúng tôi, hay ít nhất là tôi, hình như đã quá tự do và ngây thơ về hôn nhân cũng như về chính mình.”

---

“Điêu khắc – dĩ nhiên rồi, phải làm việc trên đá, trên đất. Nhưng phải nhìn Rodin cầm búa đẽo từng miếng đá cứng, nhìn bụi đá bay ra … và rồi nhìn sự nhẵn nhụi, hoàn hảo – hơn hết là cảm giác sensual sống động của những bức tượng như The Eternal Idol, The Kiss, hay Despair … thì mới biết “điêu khắc” không hề dễ dù Rodin nói rất đơn giản: “trong mỗi khối đá đều có sẵn một bức tượng, điêu khắc chỉ là một công việc loại bỏ đi những phần thừa để bức tượng lộ ra”.

Biết cái gì là thừa để mà loại bỏ đi là một việc không hề dễ dàng. Mà không, tôi sẽ không nói một câu đãi bôi như thế. Tôi sẽ nói: biết cái gì thừa để mà loại bỏ là một việc khó. Có thể là theo những con đường khác nhau, bằng những cái thang khác nhau, tất cả loài người nói chung và người làm nghệ thuật nói riêng đều chỉ đang trèo lên cùng một đỉnh núi. Chính cái ý nghĩ này làm cho tôi thấy mình thoải mái khi ở trong Pompidou chứ không thấy xa lạ như ở Louvre. Đứng giữa một bên là Joan Mitchell cố gắng diễn tả những giấc mơ thời thơ ấu và một bên là Sam Francis vẽ lại những bông waterlilies nổi tiếng của Monet theo phong cách hiện đại, tôi có thể cảm thấy rõ phía sau những bức tranh là những con người thật, là những ý nghĩ và tình cảm thật. Hơn thế, dường như có một dạng tình bằng hữu ngầm giữa tất cả những người đứng phía sau các tác phẩm nghệ thuật. Đấy là tình bằng hữu của những người cùng muốn theo đuổi sự thật.

Cuộc sống của những người này có bao giờ dễ dàng!”

---

“Đêm qua, lúc tôi trở về khách sạn, Francesca không có đó, chỉ có Julia đang ở trong phòng cùng với một  người bạn gái Nhật Bản mới quen. Chúng tôi hỏi thăm nhau xem đã làm gì trong ngày. Julia nói chị đã tới nghĩa trang Père-Lachaise với mục đích tìm một chỗ yên tĩnh mà suy nghĩ, nhưng những khách du lịch đi thăm nghĩa trang cứ liên tục quấy rầy bằng những câu hỏi “Mộ này của ai đấy? Ông ấy có nổi tiếng không?” Chị cứ ngồi xuống bất cứ ngôi mộ nào là có người hỏi mộ của ai và người chết có nổi tiếng không.

“Nổi tiếng, nổi tiếng, nổi tiếng”, Julia nói. “Tất cả những gì họ quan tâm chỉ là người chết này có nổi tiếng không, họ thậm chí chẳng buồn đọc bia mộ và chẳng có tí ý niệm gì về người đã chết.”

Julia thở hắt ra. Lần đầu tiên tôi thấy chị ấy nổi giận.

“Tôi đã tới Paris để tìm lại bản thân mình … nhưng mà trời ơi, Paris ồn ào không thể tưởng tượng được, quá nhiều khách du lịch, quá nhiều, quá nhiều mà đàn ông Pháp thì trơ trẽn và lộ liễu quá mức. Không thể nào tìm thấy bản thân mình ở đây.”

“Tìm lại bản thân mình” – cụm từ này nén quá nhiều thứ. Tôi hỏi Julia muốn tìm lại bản thân như thế nào, chị tìm gì, và nếu tìm được thì cái “bản thân” ấy trông như thế nào.

[…]

Từ bao giờ sự lãng mạn Pháp nói riêng và sự lãng mạn nói chung của  con người trở nên rẻ tiền như vậy? Từ bao giờ tình yêu trở nên thứ gì đó khó bắt, đỏng đảnh, đầy những trò mèo đến vậy? Từ bao giờ cuộc sống con người trở nên một lối mòn trúc trắc gần như chỉ dẫn vào một ngõ cụt? Và từ bao giờ, Paris cho phép những người đàn ông trung niên nứng tình phá hỏng những chuyến đi của người khác?

Nhưng buồn nhất là ý nghĩ ở ngoài kia có nhiều phụ nữ cô đơn và lạc lõng. Nhất là ở các nước châu Á. Họ đều là những người giằng xé giữa ý thức đạo đức truyền thống với mong muốn cá nhân; họ khao khát được yêu một cách chân thành, mãnh liệt – một tình yêu lớn – nhưng rồi luôn luôn phải chấp nhận một cái gì đó thứ cấp, vừa phải. Họ đã tới Paris để “tìm lại mình”, “để tìm lại sự lãng mạn” như cách nói của Julia – bởi vì cái thứ tình yêu thứ cấp đó không bao giờ có thể làm cho người ta nguôi ngoai khao khát về tình yêu kia.”

---

“Paris lại mưa, xám, và lạnh … còn tôi thì đã đánh mất cái ô của mình ngày hôm qua. Một câu hỏi lặng lẽ hiện lên trong đầu tôi: “Mình đang làm gì ở đây? Thực sự thì mình đang làm gì ở Paris và ở châu Âu một mình? Mình tìm gì? Cần gì? Muốn gì?”

---

“Những tấm thiệp đều đã ố vàng, nước mực đen nhem nhuốc, được đựng trong một cái hộp gỗ có lẽ cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Tất cả những người gửi thư này giờ đã chết … Georges có lẽ đã chết. Người gửi thư cho Georges cùng với nỗi nhớ nhà và những ký ức Việt Nam của anh ta cũng đã chết. Tất cả những gì còn lại của họ đang được bày bán ở đây, với giá 50 xu. Họ có lẽ không bao giờ hình dung những tấm thiệp riêng tư lại ra chợ, xếp lẫn trong những tấm bưu thiếp của hàng ngàn người khác. Ngồi đọc những tấm thiệp này giống như được mở những cánh cửa bí mật vào cuộc đời của những người xa lạ trong quá khứ và quan sát những chuyện đời vô danh đã trôi qua, không ai ghi chép, kể lại.

Tôi may mắn làm sao khi còn đang sống đây, còn đang hít thở và đi lại. Càng may mắn hơn nữa vì tôi đang ở Paris vào một ngày như hôm nay: trời đã hửng nắng sau nhiều ngày mưa rả rích.”

“Chiều tối nay, trên đường từ Basilica Sacré-Coeur xuống, tôi đi sau một đôi nam nữ đang khoác tay nhau bước chậm. Từ con đường lát đá dốc xuống phía dưới, họ đột nhiên đứng lại hôn nhau như thể không có ai ở xung quanh. Mà quả thực là ngoài tôi thì không còn ai khác xung quanh thật. Tôi bước ngang qua họ như thể không hề biết là có người đang hôn nhau cạnh mình. Ở cuối con đường dốc, trước khi rẽ phải, tôi lén liếc nhìn lại. Đôi bạn trẻ vẫn đang hôn nhau, trời ơi! Nghĩa là họ đã hôn nhau không ngừng ít nhất là năm phút vừa rồi. Nhưng mà, quả thật, ở những bậc thềm dẫn lên Basilica, các đôi tình nhân cũng hôn nhau say đắm; thực tế là khắp Paris tôi đi, người ta hôn nhau như không biết có ngày mai. Mà không phải những cái hôn ngắn, nụ hôn nào cũng dàiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.

Thực sự, ở Paris, không thể không nghĩ về tình yêu. Paris tôn thờ tình yêu – yêu như cách giải thoát duy nhất, yêu như biểu hiện cao nhất của sự duy mỹ, yêu như không thể tưởng tượng nổi một cách sống nào khác hơn.

Trời ơi, tôi cũng muốn hôn.”

---

“Những ngày này, ở Paris, tôi thực sự không thể quan tâm được tới nơi nào khác. Tôi đã hầu như cắt đứt giao tiếp với thế giới bên ngoài, với thế giới cũ. Vào các buổi sáng trước khi ra ngoài, hoặc vào đêm, trước khi đi ngủ, tôi vẫn xuống nhà, bỏ 2 euro vào cái máy tính của khách sạn để kiểm tra email trong mười phút. Thỉnh thoảng có email của Sơn; “ở nhà vẫn bình thường” – anh viết. Có cả một đống thư từ Nhà xuất bản – họ đang làm bìa và biên tập nội dung lần cuối cho tập truyện ngắn sắp xuất bản của tôi. Nhưng tôi thậm chí cũng không quan tâm được tới cuốn sách của chính mình. Cuộc sống cũ có vẻ như ở rất xa, thậm chí không có thật."

---

“Vậy là tôi trở dậy và giờ thì tôi đang ở nghĩa trang Pere Lachaise.

Ngồi ở đây, một lần nữa, như rất thường xuyên trong những ngày này, một sự bình an lại trùm lấy tôi. Không phải vì tôi đang ở giữa thế giới người chết. Thực tế là từ lúc vào đây, ý nghĩ của tôi không hề hướng tới cái chết hay sự hữu hạn của cuộc sống con người. Trái lại, đứng trước ngôi mộ đầy hoa của Chopin, tôi thấy được an ủi lạ lùng. Con người sẽ trường tồn. Con người sẽ bất tử nếu họ muốn. Nếu họ dám lựa chọn sống như Chopin đã sống. Ông đã không bao giờ có một gia đình đúng nghĩa; đã chật vật chiến đấu với những căn bệnh quái ác; đã làm cha và làm người tình của George Sand theo cái nghĩa tìm một tri kỉ và tìm một tình yêu hơn là tìm cách xây dựng một “tổ ấm”. Ngồi đây, không xa mộ Chopin, và nghe đi nghe lại bản valse số 2, Op.64 trên ipod, tôi có thể tưởng ra những cơn sóng lòng của Chopin; chúng lớn đến nỗi ông không còn có thể bận lòng về chúng; cứ để chúng đến và nhấn chìm mình từng đợt, từng đợt, nhưng không thể hủy diệt mình.”

---

“Nói về sự quyến rũ của Paris thì tôi phải nhắc đến một việc mà tôi đã nghĩ từ hôm đầu tiên đến đây: Tôi vừa không thể tưởng tượng nhưng đồng thời lại thấy hoàn toàn có thể hiểu tại sao cái thành phố bé nhỏ này có thể chứa nhiều con người vĩ đại đến vậy. Những đường phố nhỏ này đã thấy dấu chân của rất nhiều nghệ sĩ, nhà tư tưởng, chính khách lớn … họ đã đến, đã sống, và chết ở đây. Làm thế nào mà những bộ óc lớn này có thể ở cùng trong một không gian nhỏ, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không giẫm đạp lên nhau, chia sẻ mà không tan biến vào nhau, kết nối nhưng vẫn độc đáo và riêng biệt, chung mà vẫn một mình, cứ ngang nhiên vĩ đại.”

---

“Tôi muốn mang đi cùng tôi một Paris với những cảm giác hạnh phúc lớn không sao ôm nổi, và cả trăm ngàn những khoảnh khắc nhỏ, gần gũi, thân thiết. Một Paris bao chứa cả sự vĩ đại và cả những tiểu tiết; đầy sự cao cả và tình yêu. Một Paris mà tôi yêu bằng một tình yêu riêng, không chia sẻ. Một tình yêu không hỏi tại sao. Một tình yêu không có tóm tắt và tổng kết, không thể mang ra gạch đầu dòng.

Tạm biệt Paris! Hẹn gặp lại một ngày gần nhất.”

---

“Những ngày tháng một mình ở châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng. Bên dưới cái bề mặt kết thành bởi những điều không thể chia sẻ, tôi vẫn còn là tôi như tôi biết trước đây – và tôi sẽ không chối bỏ tôi nữa. Sự thật là tôi sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bản thân mình, không bao giờ có thể làm một ai khác. Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu.

Sẽ khó khăn, nhưng có lẽ nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ phí phạm nhất của đời người.”

Nhận xét