Kalaw là một thị trấn cao
nguyên xinh đẹp với văn hoá bản địa đặc sắc nhưng dường như chưa được nhiều người
lựa chọn khi tới Myanmar. Phần lớn khách du lịch chỉ biết đến Kalaw như điểm khởi
đầu của cung trekking nổi tiếng đi hồ Inle. Như hầu hết mọi người, mình cũng chỉ
định loanh quanh tại trung tâm thị trấn trong nửa ngày và tìm tour trekking đi
Inle ngay sáng hôm sau. Nhưng trên chuyến tàu tới Kalaw, mình đã mê mẩn cao
nguyên này tới mức quyết định dành hẳn ba ngày tại đây, không đi Inle nữa.
Tàu đến Kalaw lúc ba rưỡi chiều thì trước đó một tiếng mình mới
tìm phòng và đặt tại Camp Kalaw - dạng ngủ lều trong ngôi nhà tre. Xuống tàu
mình đi xe ôm về Camp Kalaw, xe chạy được khoảng trăm mét thì tài xế dừng lại
hỏi đường người dân. Không ai biết nên một bạn trẻ đã cho mình mượn điện thoại
để gọi cho Camp Kalaw, host nói với mình sẽ sắp xếp xe đón miễn phí và kêu mình
đợi chừng hai mươi phút. Mình nhờ bạn trẻ nói với tài xế rằng mình có
người đón nên không đi xe nữa (tài xế đó không nói được tiếng Anh). Mình định
bụng hỏi xem mình cần trả bao nhiêu tiền nhưng chưa kịp hỏi thì tài xế đó đã
xấn xổ khua khoắng tay chân đòi tiền, 1.000 kyat cho quãng đường một trăm mét
và giật tiền từ tay mình theo cách vô cùng thô lỗ. Số tiền không đáng là bao
nhưng thái độ quá tệ không chấp nhận được.
Mình lếch thếch cuốc bộ về lại nhà ga, ngồi dưới một gốc cây to để
đợi, lúc ấy mình lại thấy tay tài xế ban nãy đang đứng ở sảnh nhà ga, hai bên
nhìn nhau hằm hè từ xa. Mệt mỏi, chán nản, cô đơn, nghe thật dở hơi nhưng những
lúc như vậy, mình lại bắt đầu hoài nghi bản thân, rằng mình thật kém cỏi nên
mới gặp những chuyện vớ vẩn kiểu đó. Mình bật 4G để trò chuyện với bạn bè trong
lúc đợi, và phát hiện ra Camp Kalaw đã nhắn tin cho mình từ cả giờ trước hỏi có
cần đón không. Vì sim của mình không gọi được, nên mình gửi mail rằng mình đang
ngồi đợi dưới gốc cây to trước nhà ga, đeo balo đỏ để họ nhận ra mình. Chừng ba
mươi phút sau có một chú đi xe máy tới, chú đội mũ len, đeo kính đen, đi ủng,
mình tưởng chú là xe ôm nhưng hoá ra chính là host của Camp Kalaw. Chú hỏi mình
muốn về Camp luôn hay muốn dạo chơi Kalaw trước, có một bạn tình nguyện viên
của Camp đang ở thị trấn, nếu muốn mình có thể đi cùng bạn ấy. Mình quyết định
sẽ đi cùng bạn TNV đó nên chú đưa mình tới chùa Shwe Oo Min, nơi bạn ấy đang
tham quan. Đến nơi thì hoá ra bạn TNV đó chính là bạn gái ngồi ghế ngay trước
mình trên tàu. Lúc trên tàu, hai đứa không nói chuyện nhưng vẫn nhớ mặt và nhận
ra nhau, thiệt là trùng hợp.
Chú host cầm balo giúp mình, mình chỉ mang theo vài thứ để đi dạo cho tiện. Chú hẹn hai đứa chơi đến tầm sáu, bảy giờ tối thì gọi chú để ba người đi ăn cùng nhau. Lúc này mình vẫn chưa hiểu mô hình của Camp này là như nào, mà tối ba người lại đi ăn với nhau, một phần vì mình chỉ đọc sơ rồi đặt phòng mà không tìm hiểu gì mấy, một phần vì chưa quen với giọng tiếng Anh của chú nên không nghe được nhiều.
Rời chùa Shwe Oo Min, mình
và Cindy - bạn TNV đi dạo quanh trung tâm Kalaw. Cindy là người Ecuador, nhỏ
hơn mình bốn tuổi, đang làm việc tại một khách sạn ở Trung Quốc. Cô bé xinh đẹp
và có nét cuốn hút đúng kiểu phụ nữ Mỹ La tinh, tính cách tươi sáng, sôi nổi và
giọng nói trong trẻo, hẳn là ai cũng sẽ yêu mến một người như thế. Cindy đã tới
Kalaw gần một tuần nên khá rành nơi này, còn mình chưa hề tìm hiểu một chút
nào. Mình cứ đi theo Cindy mà cũng chẳng cần biết là đi đâu, hai đứa vừa đi vừa
nói chuyện, mà Cindy nói là chính, mình nghe hiểu nhưng rất chật vật mới nói được.
Hai đứa mình đi bộ trên những con đường nhỏ và dốc uốn lượn quanh đồi, dưới
bóng nắng len lỏi qua hàng thông xanh. Khí hậu Kalaw ôn hoà dễ chịu, có lẽ bởi
vậy mà hoa tươi xinh xắn ở khắp nơi, từ ven đường đến cổng nhà, hàng rào, ...
Cindy đưa mình tới Hnee Pagoda, nằm trên một ngọn đồi, nơi có bức tượng Phật bằng
tre hơn năm trăm năm tuổi. Lúc leo bậc thang dẫn lên chùa, hai đứa mình trò
chuyện về Bagan. Mình đi từ miền Bắc xuống miền Nam Myanmar, còn Cindy có lịch
trình ngược lại nên em chưa tới Bagan. Cô bé rất ngạc nhiên khi nghe mình thú
nhận rằng không thích Bagan cho lắm, vì dường như ai cũng yêu Bagan hết.
Cindy: Tại sao chị lại không thích Bagan?
Mình: Ừm, không phải là ghét, chỉ là chị không thích như
chị mong đợi. Bagan nổi tiếng với đền chùa, nhưng chị không thích đền chùa lắm,
chị thích tìm hiểu về con người hơn, nhưng chị đã gặp vài người không tốt ở
Bagan.
Cindy: Vậy chị thích nơi nào nhất trong những nơi đã đi
qua?
Mình: Mandalay. Con người Mandalay cực kỳ dễ thương.
Cindy (mỉm cười): Em chưa tới Mandalay. Có lẽ em sẽ tới đó
sau khi đi Inle. Chị sẽ đi Inle chứ?
Mình: Chị cũng muốn nhưng không đủ thời gian. Lúc đầu chị
định trek đi Inle, nhưng sau lại muốn dành nhiều thời gian ở Kalaw hơn.
Cindy: Chị nên đi Inle, tất cả mọi người đều nói Inle rất
tuyệt, nếu không đủ thời gian để trek, chị đi bus cũng được mà. Em thích Kalaw
và cũng thấy Kalaw thú vị nhưng nếu chị không đi Inle sẽ đáng tiếc lắm.
Mình: Chị cũng thấy tiếc, nhưng nếu đi Inle, chị muốn trek
tới đó, mà chắc chắn là không đủ thời gian rồi.
Cindy: Vậy sau Kalaw, chị sẽ đi đâu?
Mình: Yangon, sau đó về Việt Nam.
Cindy: Em biết chị đã phát chán với đền chùa nhưng khi nào
đến Yangon, chị nhất định phải tới chùa Shwedagon, siêu đẹp luôn, sau đó chị
hãy tới cái hồ lớn gần đó, đi dạo trên cây cầu gỗ zig zag, thích lắm. Còn chỗ
ở, em nghĩ chị nên ở khu China Town, khu đó nhộn nhịp và nhiều lựa chọn.
Mình đã nghe theo và tới hai nơi Cindy gợi ý ở Yangon, mình thích
cái hồ nhưng không thích ngôi chùa lắm.
Sau khi tham quan Hnee Pagoda một cách chóng vánh, Cindy tiếp tục đưa mình tới một quán cà phê. Cô bé đã tới quán này hôm qua và rất thích khung cảnh ở đó, còn một chuyện nữa là hôm qua em bị lạc đường và được hai nhân viên của quán giúp đỡ nên muốn quay lại gặp hai bạn nhân viên đó. Quán cà phê tên Kalaw cafeyard, có thiết kế chủ đạo bằng gỗ, nằm giữa đồi thông xanh mát. Tụi mình ngồi ở tầng hai, mình gọi sinh tố bơ vì không uống được cà phê. Cindy cũng gọi sinh tố bơ không đường và một phần bánh ngọt. Giá đồ uống trung bình 2.500 kyat, khá phải chăng, nhiều người thậm chí chỉ đến đây chụp ảnh mà không ăn uống gì. Hai đứa mình lúc này chỉ ngồi lặng im tận hưởng hoàng hôn đang dần buông xuống đồi thông phía xa, thiệt ra cũng không được bao lâu bởi quán đóng cửa khá sớm, sáu giờ chiều.
Mình và Cindy trở lại
trung tâm thị trấn theo đường khác, một con đường nhựa thẳng tắp nhưng dốc lên
xuống nhiều. Hai đứa chưa đi được bao xa thì gặp hai bạn nhân viên Kalaw
cafeyard đi làm về, đèo nhau trên motor. Một bạn xuống xe đi bộ cùng tụi mình,
còn một bạn đi xe về khu trung tâm gửi xe. Lúc này mình mới biết tên mình hình
như khó phát âm lắm, cả chú host, Cindy và cậu bạn nhân viên này đều không nói
đúng được, Hà mà toàn đọc thành Hăm. Cậu ấy nói "tên chị giống tên
nhân vật Han trong Fast&Furious đúng không, mà lúc gặp chị ở quán, em giật
mình vì tưởng cô giáo tiếng Anh của em, chị giống cô ý lắm". Nói
đoạn cậu đưa ảnh cô giáo cho mình xem, đó là một bạn gái người Trung Quốc tới
Kalaw theo chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh. Bạn ấy có gương mặt nhỏ và
tóc ngang vai giống mình, còn lại thì mình chẳng thấy giống chi sất. Tụi mình
đến khu trung tâm, cậu bạn còn lại đã đứng đợi từ lâu, hai bạn ấy đưa mình và
Cindy tới một nhà hàng Trung Quốc. Mình ăn rất kém, dù không muốn tỏ ra khảnh
ăn hay đòi hỏi, nhưng mình quả thật không thể ăn được đồ ăn của Myanmar, nhiều
dầu mỡ và quá cay. Còn Cindy thì nói ăn gì cũng được, ngại ghê.
Tụi mình vô nhà hàng,
lên tầng ba và chọn bàn ngoài hiên để ngắm cảnh Kalaw về đêm. Cindy đã nhắn địa
chỉ cho chú host. Bốn đứa gọi đồ ăn trước. Mình và Cindy mỗi người một dĩa cơm
rang và một dĩa rau củ thập cẩm xào. Hai bạn còn lại ăn chung một phần cơm, vì
chủ yếu muốn trò chuyện thêm với tụi mình chứ vẫn về ăn cơm nhà nữa. Cơm rang
luôn có một bát canh nhỏ ăn kèm, mà mình suýt phụt ra khi uống ngụm canh đầu
tiên vì quá cay, nhưng không phải vị cay của ớt mà của gừng, mình rất sợ mùi
gừng, chỉ vài lát gừng mình cũng không ăn được, mà bát canh này ngập gừng luôn.
Cả phần cơm rang lẫn rau đều hơi nhiều so với sức ăn của mình, nhưng mình chưa
đủ thân để chia đồ ăn với các bạn ấy. May sao lúc chú host đến, chú gọi một
phần cơm trắng và ăn chung rau, canh với mình. Chú trò chuyện và cảm ơn hai bạn
nhân viên vì đã giúp đỡ mình và Cindy, còn đưa ra nhiều lời khuyên cho hai cậu
bạn trẻ tuổi. Trước giờ mình chưa từng chủ động tiếp cận khách du lịch hay
người ngoại quốc, mình ngại làm phiền họ. Nhưng khi bản thân là khách du lịch,
mới cảm thấy tuyệt thế nào khi được trò chuyện với người bản địa.
Ăn tối xong, vì chỉ có
một xe máy, và vì mình là khách trọ còn Cindy là TNV, chú host chở mình về
Camp, còn Cindy đi xe ôm. Ở Myanmar các cửa hàng, dịch vụ đóng cửa khá sớm, tầm
tám giờ tối đã không thấy bóng dáng xe ôm nào. Cả nhóm đi bộ đến gần bến xe xem
có xe ôm không nhưng cũng không có luôn. Chú host phải gọi điện tìm xe và chốt
giá giúp Cindy. Hai cậu bạn kia vẫn đứng đợi cùng tụi mình đến khi xe ôm tới.
Trong lúc đợi còn mời mình hút thuốc, mình hơi ngạc nhiên nhưng chắc việc hút
thuốc ở đây là bình thường nên bạn ấy mới mời mình tự nhiên như vậy. Xe đến,
Cindy ôm chào tạm biệt hai cậu bạn, còn mình thì chỉ vẫy tay chớ hơi ngượng để
ôm.
Rời trung tâm thị trấn,
xe bắt đầu đi vào những con đường đất lổn nhổn sỏi đá uốn quanh đồi. Một bên là
sườn đồi, một bên là thung lũng, không đèn đường, chú host lo mình sợ nên liên
tục trấn an "con cứ bám chắc vào chú, đường khó đi nhưng chú quen
đường rồi, không phải lo đâu", mình thiệt ra không lo, bởi đường
này so với trải nghiệm đi xe ở Đăk Nông mấy hôm trước thì còn bình thường chán.
Chú hỏi "con có biết đi xe máy không?". "Dạ có, nhưng
đường này với xe này thì con không đi được", xe của chú là xe số đã
tháo yếm, nói chung khá cũ, chuyên để đi đường đồi núi. "Con là
khách trọ đầu tiên đặt phòng qua booking.com đấy, vinh dự không?". Ôi
má ơi, mình quá bất ngờ luôn, mình thậm chí quá mê cái ảnh lều và ngôi nhà tre
ấy mà đặt phòng liền, chẳng hề để ý đến review luôn.
Mình: Ủa con là
khách đầu tiên ấy ạ, thế chú mở Camp được bao lâu rồi ạ?
Host: Chú mở hai
tháng trước, chủ yếu đón các tình nguyện viên qua Workaway, Worldpackers, HelpX
...
Mình: Vậy gia
đình chú cũng sống ở đó luôn ạ?
Host: À không,
gia đình chú vẫn ở Yangon, chú nghỉ hưu xong mới tới Kalaw khởi nghiệp.
Mình: Trước chú
làm công việc gì ạ?
Host: Chú làm
cho một công ty của Mỹ (câu này mình không chắc nghe đúng hay không, đại khái
có nhắc đến US).
...
Mình không phải người
dạn dĩ cho lắm, nhưng nếu gặp người mình thấy hứng thú thì mình sẽ trò chuyện
thoải mái lắm. Có điều tiếng Anh của mình hơi í ẹ, nên không nói được nhiều như
mong muốn.
Từ trung tâm thị trấn
tới Camp Kalaw tốn khoảng nửa giờ chạy xe, vậy mà Cindy toàn đi bộ. Mình không
ngại đi bộ nhưng mình rất dở việc xác định phương hướng, nhất là chốn núi rừng
như này.
Camp Kalaw có một ngôi
nhà tre hai tầng, tầng một có bốn phòng, tầng hai là nơi thư giãn hóng gió,
ngắm bình minh, hoàng hôn. Cách đó chừng chục mét là một lán nhỏ nơi chú host
ở. Chú là chủ kiêm nhân viên duy nhất của Camp. Hôm đó chỉ có mình và Cindy,
tụi mình ở hai phòng riêng. Trong lúc đợi chú chuẩn bị lều, mình vào phòng
Cindy chơi. Ở đây không có điện, trong phòng có một chiếc lều và một ghế tựa
bằng tre. Hai đứa bật đèn pin trên điện thoại, ngồi chơi một lúc thì chú ôm đồ
tới, có lều, chăn mền, nước uống và giấy vệ sinh.
Host: Hăm, con
đã dựng lều bao giờ chưa?
Mình: Con ở lều
vài lần rồi nhưng chưa tự dựng bao giờ.
Host: Vậy hả, dễ
lắm, lều này chú mua ở Hàn Quốc, nếu con thích dã ngoại thì nên sắm lấy một
cái. Còn Cindy thì sao?
Cindy: Con dựng
lều rất nhiều lần rồi.
Host: Ngày mai
tầm bảy tám giờ Cindy dậy nhé, còn Hăm, con muốn dậy lúc nào cũng được, con là
khách mà.
Là một TNV, Cindy có
trách nhiệm phụ giúp công việc cho host, còn mình là khách trọ nên không cần
làm gì cả. Nhưng mình vẫn luôn lẫn lộn về vai trò của bản thân, mình thấy thật
kì khi chỉ đứng nhìn mà không làm gì.
Dựng lều xong, chú trải
một lớp chăn làm đệm và gập phần đầu chăn lại làm gối, sau đó trải một vỏ chăn
mỏng làm ga, cuối cùng là một chiếc chăn để đắp. Xong xuôi, chú dạy mình khoá
cửa, bằng cách luồn sợi dây xích qua khe hở giữa các nan tre của bức vách và
cánh cửa, rồi móc ổ khoá vào mắt xích để cố định. Chú dặn phải móc khoá đủ chặt
để bên ngoài không xô cửa vào được, có chuyện gì thì hét to lên, chú ở ngay gần
đó thôi.
Cách ngôi nhà tre chừng
năm mét là nhà vệ sinh, cũng làm bằng tre. Bên trong có một bệ bệt, nhưng trong
bệ, thay vì hệ thống xả nước thì là một cái xô đựng chất thải. Bên cạnh bệ lại
có một xô khác đựng lá khô, dùng để phủ lên chất thải. Hỗn hợp chất thải, lá
khô này sau đó được dùng làm phân bón cho cây.
Sau khi vệ sinh cá nhân qua loa vì quá lạnh, quá tối và quá mệt, mình đi ngủ. Ngay khi vừa gặp nhau lúc chiều, chú host đã phải hỏi lại mình có chắc chắn muốn ở Camp Kalaw không, vì không có điện, không có internet, composite toilet, nhà tắm chỉ là tấm bạt quây lại và một lu nước, nấu ăn bằng bếp củi ở ngoài trời. Mình không vấn đề gì với những bất tiện đó cả, nhưng có một điều mình đã hiểu lầm, mình tưởng không có internet là không có wifi nhưng hoá ra là khu vực này không có sóng luôn. Trước khi chìm vào giấc ngủ, mình dùng nốt phần pin điện thoại ít ỏi còn lại nghe Embrace của Govi, một bản nhạc nhẹ nhàng như chính thế giới quanh mình lúc này.
Mình về tới khu bếp ăn, chú và Cindy vẫn đang trò chuyện. Thấy
mình, chú hỏi "con uống trà hay cà phê, đây là cốc riêng của con
nhé", và đưa mình một cốc sứ Nescafe màu đỏ. Mình rót trà chú đã pha
sẵn, nhấm kèm kẹo đường cọ, và ngồi nghe chuyện cùng. "Hăm, trưa
nay Cindy sẽ rời đi nên chú đang hỏi cô bé đánh giá về trải nghiệm tại Camp.
Con có thể tham gia cùng" - chú nói với mình.
Host: Cindy đánh giá thế nào về Camp Kalaw?
Cindy: Ừm, mọi thứ rất tốt, về giá cả, 10$/đêm cũng khá
ổn, nhưng có một điều, vì con là con gái, con thấy hơi bất tiện về chuyện nhà
tắm, nhất là khi ở đây dài ngày. (Cindy là TNV, không phải trả tiền
trọ, nhưng vì em làm trong ngành dịch vụ khách sạn, nên chú muốn hỏi ý kiến để
hoàn thiện thêm mô hình này).
Host: Chú biết, nhưng đây là mô hình cắm trại dã ngoại,
chúng ta không thể đòi hỏi tiện nghi như ở khách sạn, chú muốn hướng đến những
trải nghiệm gần gũi với tự nhiên ...
Cindy: Vâng, con hiểu, chỉ là nếu phải đưa ra điểm con
chưa thích, nói chung mọi thứ đều ổn, ý con là mọi thứ đều tốt, con quen dùng
từ "ổn" (everything is fine, i mean everything is good, i always use
the word fine).
Host: Vậy con thích những trải nghiệm ở đây chứ?
Cindy: Chắc chắn rồi ạ.
Host: Con chấm được mấy sao?
Cindy: Năm sao ạ, chắc chắn là thế.
Host: Ồ cảm ơn con nhiều.
Trưa nay Cindy sẽ khởi hành trekking đi Inle, hình như cô bé định
tự đi một mình.
Cindy: Liệu con có thể xin ngủ qua đêm tại các tu viện
không ạ?
Host: Chú e là nếu con đi một mình thì không được. Một số
TNV đã kể với chú rằng họ không được ở tu viện vì không có người bản địa đi
cùng. Có thể đó là quy định của tu viện, cũng có thể vì các nhà sư ở đó không
biết tiếng Anh và ngại phiền phức, tuỳ từng tu viện nữa. Tốt nhất con nên đi
cùng một người dẫn đường bản địa.
Cindy: Dạ.
Host: Hăm, nếu con muốn trekking đi Inle thì nói với chú,
chú sẽ liên hệ tìm người dẫn đường cho.
Mình: Dạ con chỉ ở Kalaw thôi, không đủ thời gian đi Inle.
Con sẽ đi lần sau.
Đại khái là vậy, mình đã không hoàn toàn tập trung vào câu chuyện
bởi đầu mình liên tục nhảy số, kiểu mình phải nói gì nhỉ, câu này nói bằng
tiếng Anh thế nào nhỉ, ... rồi thì mình vừa không kịp tham gia vừa bỏ sót kha
khá chuyện. Sau đó, Cindy trở về phòng thu dọn đồ đạc, mình cũng về phòng.
Cindy là người bạn đầu tiên ở Myanmar của mình, đã rất tốt với mình, nhưng biểu
hiện của mình thì quá ấm e, không thể hiện hết được sự yêu quý của mình dành
cho em ấy. Giờ sắp đến lúc chia tay, mình định sang phòng em ấy chơi mà lại
ngại ngại. Nghĩ Tần nghĩ Hán một lúc, mình lấy mẩu giấy nhỏ xé từ sổ tay ra
viết vài dòng cho em, rằng thì là mình rất quý em, hy vọng em sẽ tới Việt Nam
chơi ... Mình đang viết dở thì nghe chú gọi, chạy ra thấy một cậu bạn với chiếc
áo sơ mi sặc sỡ đậm chất nhiệt đới, chú giới thiệu bạn ấy với mình và Cindy.
Hoá ra cậu ấy cũng là TNV, sẽ ở phòng của Cindy khi cô bé rời đi. Mình đã đơn
độc gần ở nửa đầu hành trình, rồi tới đây lại tình cờ có thêm mấy người bạn
liền.
Cindy đã đóng gói hành lý xong, và ăn trưa cùng mọi người trước
khi lên đường. Bữa trưa có cơm trắng, rau củ thập cẩm xào, súp khoai tây, đều
do chú nấu. Andrien - cậu bạn mới tới là người Pháp, và đã từng tới Trung Quốc,
nên hai bạn ấy có nhiều chuyện để nói với nhau. Còn mình chỉ chủ yếu ngồi nghe,
cũng còn may là vẫn nghe được.
Cindy: Cậu đã đi những đâu ở Trung Quốc rồi?
Andrien: Bắc Kinh, Thành Đô, Thượng Hải, ...
Cindy: Oh Thành Đô, có gấu trúc nhỉ, còn Hong Kong thì
sao?
Andrien: Mình không đủ tiền để đi Hong Kong, đắt đỏ quá.
Cindy: Cậu tới đây theo chương trình nào?
Andrien: Workaway, còn cậu?
Cindy: Worldpackers, cậu thấy các chương trình khác nhau
thế nào?
Andrien: Mình mới chỉ tham gia workaway nên cũng không rõ.
Cindy: Oh, vậy cậu workaway bao nhiêu nơi rồi?
Andrien: Sáu.
Cindy: Wow
...
Ăn trưa xong, mọi người chia tay Cindy. Lúc Cindy ôm tạm biệt chú, mình lại tiếp tục đấu tranh rằng có nên ôm Cindy không nhỉ. Đang mải mê suy nghĩ thì cô bé đã tiến về phía mình và dang rộng vòng tay. Ôm em xong, mình mới dúi vào tay cô bé mẩu giấy nhỏ và dặn lúc nào đi hẵng đọc nhé, đọc bây giờ chị hơi ngượng.
Sau khi chia tay Cindy, chú dẫn mình và Andrien vô rừng. Chú cầm theo một chiếc ghế gấp nhỏ và một cái vợt không rõ để làm gì. Tụi mình đi theo đường mòn, tuy vậy cũng có vài chỗ rậm rạp không thành đường lối và dễ trơn trượt. Khu rừng xanh mát với nhiều tầng tán, khác hẳn với cảnh cây cối khô trụi lá mà mình vẫn thấy mấy ngày nay. Tới một ao nước nhỏ, xung quanh khá bằng phẳng, chú đặt ghế cho mình ngồi nghỉ, còn chú lấy vợt để hớt lá khô rụng trên bề mặt ao. Hoá ra ao nước đó chính là nguồn nước của Camp Kalaw, mấy hôm vừa rồi Cindy đã giúp chú hoàn thiện đường ống dẫn nước về Camp. À thì ra công việc của tình nguyện viên là như vậy.
Chú gợi ý tụi mình đi chơi mấy vùng lân cận, có một cái hồ nước cách đó nửa giờ đi bộ đường rừng, và ngôi làng của người Palaung cách khoảng hai giờ. Chú chỉ đường cho Andrien trên maps.me (một ứng dụng bản đồ ngoại tuyến), mình chỉ việc đi theo Andrien. Mình không cài maps.me được vì không chịu cập nhật ios, mình có nhiều thứ dở hơi, khù khờ lắm nhưng lại toàn gặp hên, nên chưa có nhiều động lực để học cách trở nên khôn ngoan hơn.
Đường nhỏ và mình đi chậm nên toàn đi phía sau Andrien. Từ lúc Andrien đến, mình vẫn chưa nói chuyện gì nhiều với cậu ấy, nhưng có thể thấy anh bạn này khá hiền. Hai đứa cứ đi như vậy mãi mà không nói với nhau câu nào, haizz dốt tiếng Anh chán ghê vậy đó (mình dốt thôi chứ tiếng Anh của Andrien rất tốt). Mãi tới một đoạn, thấy có tiếng nhạc mình mới buột miệng "oh có nhạc ở đâu kìa", Andrien quay lại nhoẻn miệng cười "nhạc Pháp đấy", "vậy hả, cậu có biết bài gì không", "mình không biết". Lại tiếp tục im lặng.
Tới hồ nước, thấy một nhóm bạn Myanmar đang câu
cá, nghe nhạc và ăn uống, tiếng nhạc ban nãy chính là phát ra từ đây. Nhóm bạn
ấy giơ cao tay vẫy chào tụi mình và cười thân thiện hết sức. Andrien kiếm một
chỗ bên hồ nước ngồi ngắm cảnh, còn mình chạy loanh quanh ngó nghiêng. Lúc mình
đang đứng trên đê thì gặp một cặp đôi người Đức trekking, người dẫn đường bản
địa của cặp đôi ấy có lẽ tưởng mình là đồng nghiệp thì phải, nên nói với mình
bằng tiếng Myanmar. Xét ra thì mình nhìn cũng giống bạn dẫn đường đó thật, đội
mũ tai bèo, áo chống nắng và người nhỏ thó, không ra dáng khách du lịch chi cả.
Mình không lo chuyện da đen da trắng cho lắm, mà vì mình đã bị say nắng và ốm
một trận đợt đi Tây Nguyên vừa rồi, nên giờ phải che chắn kĩ càng, khoẻ mạnh
thì mới tận hưởng chuyến đi được. Một lúc sau Andrien lên bờ đê ngồi cùng mình,
mình hỏi "tụi mình có đi tới làng Palaung không", "mình
e là chúng ta không kịp tới làng Palaung đâu, giờ đã là bốn giờ chiều rồi" -
Andrien đáp.
Có một nhóm ba bạn nam Myanmar mới tới, các bạn
ấy nhảy xuống hồ bơi ngay phía trước tụi mình. Bơi xong thì lên quấn váy lại,
một bạn tóc dài ngang lưng, khom người hất tóc thành vòng tròn để giũ bớt nước,
nom như một rocker. Xong ba bạn ngồi bên bờ hồ, bật nhạc chill. Mình cực thích
bài hát Myanmar các bạn ấy đang nghe, quay sang nói với Andrien "bài này
hay nhỉ", Andrien mỉm cười đồng tình. Mình chạy lại chỗ các bạn ấy để hỏi
tên bài hát nhưng tiếc thay không ai nói được tiếng Anh. Mình chỉ vào cái loa
và cố gắng khua chân múa tay để diễn tả, nhưng các bạn ấy lại hiểu thành mình
muốn mượn loa để nghe nhạc bằng điện thoại của mình. Andrien lúc này cũng tiến
đến, mình hỏi cậu ấy có ứng dụng phiên dịch ngoại tuyến nào không, nhưng không
có. Mình lại hỏi Andrien có nghĩ ra cách nào không và cậu lắc đầu. Một tình
huống nghe vẻ bình thường mà mình chưa từng nghĩ tới và đành bất lực chịu thua.
Chừng năm giờ kém, tụi mình quay về Camp. Đường lúc đi chủ yếu xuống dốc, thì lúc về chủ yếu lên dốc, mình mệt muốn xỉu, vừa đi vừa thở dốc. Giữa rừng vắng thinh lặng, không biết Andrien có nghe thấy tiếng thở của mình không nữa. Mà nghe thấy cũng đành chứ biết sao, phải hít thở sâu mới đỡ mệt, nhưng không khí bên này khô quá, nên mũi mình cứ khò khè như vậy mấy hôm nay rồi. Ra khỏi rừng, hai đứa đi theo đường lớn về Camp. Bên triền đồi có mấy cây hoa trắng giống cây ở Camp nhưng trĩu bông hơn, hai đứa thi nhau chụp choẹt, ngoài chụp hoa, mình có chụp cả Andrien nhưng toàn kiểu từ sau lưng vì lúc nào cũng đi phía sau cậu ấy.
Về Camp, mình rủ Andrien lên tầng hai của ngôi
nhà tre để ngắm hoàng hôn, mình được chú phát chìa khoá lúc sáng. Trên này có
bảy, tám cái ghế tựa bằng tre, mình không nhớ rõ lắm, trong đó có hai cái đặt
gần lan can, còn lại đặt sát tấm vách. Andrien ngồi ở ghế gần lan can, còn mình
ngồi ở ghế sát tấm vách cho đỡ nắng và gió, gió ở đây lớn lắm, mình mặc áo
khoác nhẹ mà vẫn hơi lạnh. Andrien ngồi đọc sách trông thật quý tộc, còn mình
tranh thủ viết nhật ký trên note điện thoại. Mình định mang sổ ghi chép nhưng
lại sợ nặng nên mang có một cuốn sổ tay bé xíu để thi thoảng ghi chú, giờ ngồi
bấm bấm điện thoại trong khi bạn đọc sách, trông không được hay lắm, nhưng mình
phải viết luôn kẻo quên, buổi tối không có đèn nên mình không muốn dùng điện
thoại, đau mắt lắm.
Tầm sáu giờ kém, mình xuống trước xem cơm nước
sao. Chú đã thổi cơm rồi, giờ nấu đồ ăn nữa thôi. Chú lấy sẵn rau củ và ba quả
trứng, mình và Andrien có nhiệm vụ chế biến. Rau củ có cà rốt, đậu ván, cà chua,
xắt nhỏ và xào lên, mình thấy bên này toàn ăn như vậy. Chú có vẻ hào hứng
lắm "wow tối nay chúng ta sẽ được thưởng thức bữa ăn kết hợp giữa
hai nền ẩm thức Pháp và Việt Nam". Mình bèn phải thú nhận "đúng
là ẩm thực Việt Nam ngon, nhưng con nấu ăn dở lắm". Andrien không kém
phần "con cũng nấu dở, con thấy ăn thì nhanh mà nấu thì lâu nên ít
khi nấu lắm". Nghe hai đứa chán không chứ.
Andrien có nhiệm vụ xắt rau củ, còn mình sẽ nấu.
Có vẻ đúng là cậu không mấy khi nấu ăn, thái hành tỏi còn để nguyên vỏ và thao
tác với dao thật vụng về, dù vậy trông cậu vẫn khá tao nhã. Mình nhặt đậu ván xong thì đem xào cùng cà chua và hành tỏi, xào gần chín mới tá hoả là quên mất
cà rốt, mà cà rốt mới gọt vỏ chứ chưa xắt miếng. Andrien tức tốc đi cắt cắt
thái thái, mình cho đậu ván ra đĩa trước để lát trộn với cà rốt sau. Chú thình
lình từ đâu đi tới nếm thử miếng đậu ván và tấm tắc khen ngon, mà rõ ràng là
chưa chín, chắc chú đang cố động viên hai đứa. Xào rau xong, mình chiên trứng.
Đập ba quả trứng vào bát và nhận ra không có đũa để đánh trứng. Mình lại chạy
đi hỏi chú đũa ở đâu. Bên này mọi người ăn bằng thìa, mà may quá chú vẫn có
đũa, nhưng không xài bao giờ, vẫn còn nguyên bao bì. Mình đánh trứng xong mới
chột dạ, hình như chú bảo mình ốp la chứ có phải đánh lộn lên chiên đâu, mà
trót nhỡ rồi đành vậy. Sau cùng là làm salad với cà chua, bơ tươi, đậu phộng.
Bữa ăn có ba món không thể đơn giản hơn mà hai đứa mình hì hụi cả giờ đồng hồ,
mắt đứa nào cũng đỏ hoe vì khói từ bếp củi. Mình mà đi giao lưu văn hoá như này
là hỏng rồi, không được cái nước nôi gì.
Ba người ngồi ăn tối dưới ánh sáng leo lắt từ
một bóng đèn nhỏ chạy bằng điện mặt trời. Đang ăn thì chú có điện thoại, là
Cindy gọi, em báo đã đến một tu viện để nghỉ qua đêm nay. Chú không ngừng cảm
thán khen ngợi Cindy "cô bé giỏi thật, từ hôm tới đây cũng toàn
một mình đi khắp nơi khắp chốn". Đúng là Cindy giỏi thật, cái hôm
mình gặp Cindy trên tàu, là em tự đi bộ từ Camp xuống thị trấn từ hôm trước,
rồi bắt tàu đi sang vùng lân cận chơi, ngủ qua đêm ở đó, rồi hôm sau lại bắt
tàu về, thảo nào mình thấy em ấy lên tàu từ một ga nhỏ và có vẻ rất thân thiết
với người dân ở đó. Lần sau mình sẽ học theo cô bé, đi tàu sang vùng lân cận, lúc
đi tàu qua ga đó, mình cũng đã rất muốn xuống chơi rồi.
Ăn tối xong, chú tranh rửa bát vì hai đứa mình
đã nấu rồi. Nghe thiệt oai chứ hai đứa có được tích sự gì mấy đâu. Rửa dọn xong
xuôi, ba người ngồi uống trà tâm tình. Andrien được phát một chiếc cốc sứ màu
đỏ có chữ Sunday. Chú tắt đèn để thưởng trăng. Hôm nay là mười bốn âm lịch,
trăng miền núi sáng, to và gần đến mức tưởng như với tới được. Tắt đèn đi mới
thấy, không cần đèn, chỉ ánh trăng cũng đủ soi tỏ vạn vật.
Andrien không ít nói như mình, nhưng cũng không
sôi nổi như Cindy. Chú là người đóng vai trò gợi chuyện tạo bầu không khí. Chú
nói ngày mai sẽ đưa hai đứa đi chơi một hang động gần đây.
Host: Ngày mai chú sẽ thuê một người dẫn
đường bản địa, chứ chú chưa tới hang động đó bao giờ. Ba chú cháu mình mà tự
đi, đến giữa rừng lại ngơ ngác "ơ cái hang ở đâu ấy nhỉ". Hăm, con ở
đây đến khi nào?
Mình: Con đang định ngày mai đi tàu về
Yangon nhưng con chưa hỏi giờ tàu (nói xong thấy mình ngớ ngẩn
ghê). Nếu đi tàu, liệu con có kịp đi chơi hang động không ạ?
Host: Chú e là không kịp đâu, sao con
không đi xe bus đêm để tiết kiệm thời gian, đi tàu rất lâu, đêm mai đi bus là
sáng ngày kia con tới Yangon rồi, con sẽ có trọn vẹn cả ngày ở Yangon. Hôm nào
con về Việt Nam?
Mình: Dạ chiều 10/3
Host: Nay là 7/3, vậy thì con nên đi xe
đêm mai, mặc dù Yangon không có gì nhiều nhưng nếu đêm ngày kia mới về thì mạo
hiểm quá.
Mình muốn đi tàu đơn giản vì mình rất thích đi
tàu. Mình đã đi tàu từ Mandalay tới Kalaw và thích mê nên định sẽ đi tàu về
Yangon và kỳ vọng một hành trình thú vị như chuyến tàu trước. Nhưng nếu mai đi
tàu thì gấp quá, mình còn muốn chơi ở Kalaw nhiều hơn nữa, còn nếu ngày kia mới
đi tàu về thì e là lỡ chuyến bay, bởi mình phải đi hai chuyến tàu mới về Yangon
được. Một hồi đắn đo, tính toán, mình quyết định sẽ đi chuyến xe đêm mai.
Host: Con tính thế là đúng, ngày mai chú
sẽ liên hệ xe giúp con. Vậy sáng mai chúng ta sẽ đi hang động nhé. Tầm bảy giờ
ăn sáng và tám giờ khởi hành.
Andrien: Con không ăn sáng nên tám giờ
kém con sẽ có mặt ở đây.
Host: Hăm thì sao, con có ăn sáng không?
Mình: Có ạ.
Host: Đúng rồi, con nên ăn nhiều hơn cho
lớn. Ngày mai hai đứa đi bộ, còn chú sẽ đi xe máy, để khi nào Hăm mệt thì lên
xe chú đèo. Andrien chắc quen trekking rồi còn Hăm, cô bé có lẽ chưa được chuẩn
bị tinh thần nhiều trước khi tới đây. Andrien biết không, Hăm chỉ vì thích cái
ảnh ngôi nhà tre mà đặt phòng, dù vậy khi biết ở đây thiếu tiện nghi thế nào,
cô bé vẫn quyết định tin tưởng chọn Camp Kalaw. Một cô gái dũng cảm.
Mình không dám nhận là người dũng cảm. Mình chỉ
là một người ngu ngơ, tuỳ hứng, với trái tim ngây thơ, liều mạng. Mình đi
Myanmar mà không hề tìm hiểu hay lên kế hoạch gì, cũng chỉ biết đến Kalaw ngay
ngày hôm trước khi đi tàu tới đây, khi đang tìm cách đi Inle.
...
Từ lúc chịu tập trung lắng nghe, mình đã nói
tiếng Anh tốt hơn trông thấy, dĩ nhiên là tiến bộ so với bản thân mình thôi chứ
mới có một ngày không thể thay đổi ngoạn mục được. Căn bản trước giờ mình chẳng
chịu rèn luyện, có từ vựng, có ngữ pháp đấy nhưng không biết phải dùng thế nào,
giờ nghe mọi người nói thì vỡ ra nhiều, bao nhiêu chữ nghĩa học từ xa xưa tới
tấp ùa về. Lúc này mình mới trò chuyện nhiều hơn với Andrien, mà chủ yếu là bắt
chước hỏi những câu chú và Cindy đã hỏi mình.
Mình: Andrien, cậu đang làm công việc
gì?
Andrien: Mình đã tốt nghiệp ngành kinh
doanh, nhưng không hứng thú với ngành này, tháng chín tới mình sẽ tiếp tục học
về truyền thông, văn hoá, phim ảnh nọ kia. Còn cậu?
Mình: Mình hai tám tuổi rồi, mình đã đi
làm kế toán trong vài năm và vừa nghỉ việc, đang đi du lịch một thời gian để xả
hơi rồi tìm công việc mới.
Andrien: À, em mới hai mươi tư tuổi. Vậy
chị đã đi những đâu trước khi tới Myanmar?
Mình: Vài nơi ở Việt Nam thôi. Em đã tới
Trung Quốc à?
Andrien: Vâng, em đã đi vài nước trước
khi tới Myanmar, mấy hôm nữa em sẽ về Pháp để làm việc, em đã nhận được một
công việc.
Mình: Em đã tới những nước nào?
Andrien: ... - mình lại quên béng rồi, chỉ nhớ
có Hàn Quốc.
Mình: Chị cũng đã từng tới Hàn Quốc một
lần, chỉ ở Seoul thôi.
Andrien: Chị thích Hàn Quốc chứ?
Mình: Ừ rất thích.
Sau này mình xem facebook của An thì thấy cậu có
vẻ rất yêu thích điện ảnh Hàn Quốc, có điều đều là những bộ phim và nghệ sĩ mà
mình không biết. Mình đã nghĩ mình biết khá nhiều về phim ảnh và người nổi
tiếng ở Hàn Quốc, nên cũng hơi bất ngờ. Có lẽ do thị hiếu và cách tiếp cận khác
nhau chăng?
Mình: Em biết bao nhiêu ngoại ngữ? Mình
hỏi câu này vì đã nghe thấy cậu ấy nói tiếng Tây Ban Nha với Cindy.
Andrien: Tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây
Ban Nha và một chút tiếng Trung, đủ để hỏi đường và gọi đồ ăn.
Chẹp, nghe xong mình thiệt muốn ngất xỉu. Cậu ấy
nhỏ hơn mình bốn tuổi và học được từng đó ngôn ngữ, còn mình học mỗi một thứ
tiếng cũng không nên thân. Lúc trước chú hỏi mình có biết tiếng Pháp hay tiếng
Trung không, mình chẳng biết tiếng nào cả. Muốn độn thổ ghê, giá như biết thì
còn phần nào gỡ gạc cho trình độ tiếng Anh kém cỏi này.
Mình: Em có anh chị em không?
Andrien: Em có một chị gái và một em
trai. Còn chị?
Mình: Chị có một em trai nhỏ hơn ba
tuổi.
Andrien: Vậy cũng gần tuổi nhau, nhà em
ba người là ba thế hệ luôn, nên khá khó để hiểu nhau. Chị đã đi những đâu ở
Myanmar?
Mình: Yangon, Bagan, Mandalay, Kalaw,
sau đó quay lại Yangon và về Việt Nam.
Andrien: Chị thấy Bagan thế nào? -
có vẻ ai cũng quan tâm đến Bagan.
Mình: Hmm ... - sau cuộc trò
chuyện với Cindy lần trước, mình đang nghĩ xem sẽ trả lời thế nào, chưa kịp nói
thì Andrien đã tiếp lời.
Andrien: Cũng tạm hả?
Mình: Ừ cũng tạm.
Andrien: Vậy chị thích đâu nhất?
Mình: Mandalay. Mandalay rất tuyệt,
tuyệt nhất là con người.
Andrien mỉm cười, vẫn luôn là nụ cười rất hiền và chân thành đó. Cậu bé này khiến mình thấy thoải mái khi ở bên cạnh. Không quá ồn ào, không quá thờ ơ, cậu có vừa đủ sự thân thiện, vừa đủ sự quan tâm. Có điều mình không thấy cậu giống người Pháp cho lắm, chí ít là người Pháp trong tưởng tượng của mình: nồng nhiệt, bóng bẩy, lãng tử, và những cái nhún vai đặc trưng. Andrien không bóng bẩy chút nào, cũng hiếm khi dùng ngôn ngữ hình thể, dáng người khá nhỏ con và mặc đồ giản dị nhưng vẫn toát lên phong thái lịch thiệp, tinh tế.
Mời các bạn đọc tiếp Nhật ký rong chơi Kalaw, Myanmar - Phần 2
oh đúng là ngọt ngào quá đi!
Trả lờiXóa