Nhắc đến VQG Yok Don là nhắc
đến rừng khộp, tức rừng cây thưa, rụng lá mùa khô. Chữ "khộp" trong tiếng
Lào nghĩa là "giòn", có lẽ để chỉ những
thảm lá khô giòn rụm phủ kín mặt rừng vào mùa khô. Rừng khộp ở Việt Nam có cấu
trúc tầng tán đơn giản với tầng cao gồm các cây thân gỗ (chủ yếu họ Dầu lá rộng)
và tầng dưới là cây bụi, cây cỏ. Khu rừng này nằm ở địa phận hai tỉnh Đăk Nông
và Đăk Lăk, còn văn phòng Ban quản lý VQG ở xã Krong na, huyện Buôn Đôn, Đăk
Lăk (cách Bản Đôn 4km), đây cũng là nơi đăng ký các hoạt động tham quan VQG Yok
Don.
Mình đăng ký trước mấy hôm qua fanpage facebook của VQG cho tour trekking cả ngày. Bảy giờ sáng đến nơi là đã có hướng dẫn viên ngồi đợi sẵn rồi. Nếu không tự chuẩn bị bữa trưa thì có thể đăng ký với lễ tân, đến trưa sẽ được đưa cơm nóng hổi tới tận nơi.
Mình may mắn gặp được chú hướng dẫn viên siêu nhiệt tình, cũng là người bạn đường vô cùng thú vị. Chú yêu rừng lắm, chỉ dạy cho mình rất nhiều, bữa đó vừa đi chơi vừa như một buổi thực địa học được bao điều mới lạ. Chú nói vô đây đi bộ khám phá kiểu này đa phần là khách Tây, còn khách Việt thì ít hơn, chủ yếu là các đoàn đạp xe hoặc các nhiếp ảnh gia vô xem chim. Chú còn nhớ năm ngoái có một bạn nữ tên Vy người Tây Ninh cũng đi một mình, mình tự hỏi không biết sau này chú có nhớ cái đứa tên Hà người Yên Bái lâu như thế không.
Mình hỏi chú rừng Yok Don mùa nào đẹp nhất. Chú nói mùa lá đỏ tầm tháng Mười Một, Mười Hai là đông khách du lịch nhất, nhưng với chú thì mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, đẹp xấu tuỳ mắt người. Mình không biết những mùa khác thế nào, nhưng Yok Don mùa khô rất đẹp nhé, cây đã rụng hết lá chỉ còn trơ thân cành với đủ các dáng hình in lên bầu trời xanh biếc, thảm lá rụng hay bụi cỏ khô cũng đẹp đến nao lòng, suối thác cạn nước lộ ra những tảng đá hình thù lạ mắt, ... cùng vô vàn kỳ thú khác. Mình thích thú lắng nghe tiếng lá khô giòn tan mỗi bước chân, lá Dầu khô rụng lớp lớp phủ khắp mặt đất, nhiều chiếc lá chắc phải to gấp đôi, gấp ba bàn chân mình. Những đoạn qua bạt ngàn tre trúc khô úa, vạn vật như một bức tranh không màu. Mình tưởng đâu cây đã chết cả, nhưng hóa ra chỉ cần một cơn mưa sẽ lập tức xanh trở lại. Nhiều đoạn, thảm lá khô được thay bằng lớp than tro do đốt lá cây khô. Mình được thuyết minh rằng việc đốt lá khô, cỏ khô có kiểm soát là một trong các cách xử lý thực bì (thảm thực vật bao phủ mặt đất) để giảm nguồn vật liệu cháy và cải tạo đất. Hơn nữa lửa cũng chính là yếu tố kích thích quả cây đủ điều kiện nảy mầm, tái sinh rừng khộp.
Chuyến đi này, không chỉ được ngắm rừng, mình còn có cơ hội gặp các cán bộ kiểm lâm. Mình cứ nghĩ họ sẽ đáng sợ lắm nhưng hoá ra lại vô cùng thân thiện, bình dị. Có lẽ do trực trạm ít khi được về nhà, ít có khách đến chơi, nên lúc mình tới mọi người vui và đón tiếp nhiệt tình lắm. Hôm đó hai chú cháu dừng nghỉ ăn trưa tại một chốt kiểm lâm, ở chốt có hai cán bộ kiểm lâm, lúc đó hai anh đã ăn trưa xong, ngồi uống trà và trò chuyện cùng chú cháu mình. Hai anh tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy có đứa con gái một mình từ miền Bắc xa xôi vào đất Tây Nguyên này, lại còn có hứng đi thăm thú rừng. Mỗi lần có người hỏi “đi một mình hả, vào rừng làm gì thế, là phóng viên hay đi nghiên cứu, …”, mình ngại thấy mồ, hổng lẽ việc đi chơi một mình và thích rừng lại kì lạ đến thế sao? Bữa đó mình và chú mượn bát đũa của chốt kiểm lâm, ăn xong thì uống trà xanh, rồi nằm võng nghỉ trưa. Mình chỉ chợp mắt một lúc, tỉnh dậy vẫn nằm trên võng, mở mắt là thấy ngay bầu tời xanh biếc, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm bay phấp phới giữa gió rừng lồng lộng, chim hót ríu rít hòa với tiếng lá cây reo vang xào xạc, thật thi vị làm sao.
Quá trưa, hai chú cháu rời chốt kiểm lâm lên đường tới Thác Phật. Chú dẫn mình đi theo con đường mòn khá lớn, ngang qua một số cánh đồng và nhà của người dân. Mình nghe chú nói, trước đây có nhiều bản làng sinh sống và canh tác trong rừng, khi vận động di dời để thành lập VQG, đa số các hộ dân đã đồng ý chuyển đi, dù vậy vẫn còn một số hộ ở lại. Trên cánh đồng, trâu bò nằm thảnh thơi, cò trắng chao lượn rợp trời, chốc chốc đậu xuống cánh đồng, đậu lên mình trâu, rồi chớp mắt lại tung cánh bay hút vào rừng.
Thác Phật nằm cách trụ sở ban quản lý VQG chừng tám cây số, được hình thành từ một nhánh của dòng sông Sêrêpok. Mùa khô là thời điểm thích hợp để tham quan thác Phật bởi dòng chảy không quá dữ dội và nước cạn để lộ ra những phiến đá đủ hình thù lạ mắt do dòng nước bào mòn tạo nên. Chú động viên mình leo ra tảng đá giữa dòng thác để chụp ảnh lưu niệm. Thoạt nhìn, dòng thác có vẻ khá hiền hòa và an toàn, nhưng khi ra giữa dòng mới thấy cũng nguy hiểm lắm, bởi đá trơn và dòng nước chảy siết hơn mình tưởng, thêm nữa còn có những xoáy nước sâu tới hai mét, chẳng may hụt chân thì không biết sẽ ra sao. Chú phải đi trước kéo tay mình khỏi ngã, sau đó chạy đi tìm góc chụp, rồi lại chạy lại kéo mình về, cái sự check-in thật lắm công phu chứ. Bên cạnh dòng thác có một khoảng đất khá bằng phẳng, là nơi lý tưởng để cắm trại, nấu nướng, thư giãn. Lần sau có dịp quay lại, mình nhất định sẽ rủ thêm vài người bạn nữa cùng đi rừng và dựng trại qua đêm ở đây.
Cách thác Phật không xa, chừng vài chục mét, ở vùng đất cao hơn, là một trạm kiểm lâm. Lúc trước khi tới thác, mình đã đi ngang qua trạm và gặp các cán bộ kiểm lâm, mọi người ở trạm này cũng vô cùng thân thiện. Từ dòng thác quay lại trạm, mình thấy mọi người đang hái rau ở khu vườn ngay đó, và thậm chí đã chuẩn bị cho bữa tối cho cả mình và chú vì nghĩ mình sẽ cắm trại qua đêm. Thật tiếc vì mình không thể ở lại, đành hẹn dịp sau vậy.
Chú dẫn mình về theo lối khác, phần lớn là đường lát bê tông, cứ đi theo con đường này sẽ về đến trụ sở ban quản lý VQG. Trên đường về, mình gặp nhiều người dân chạy xe máy ngang qua, chủ yếu là đi lấy nước. Có khi cả nhà ba bốn người trên một chiếc xe máy mà ôm theo có một cái bình nước hai mươi lít, chắc lấy nước là phụ, đi chơi là chính cũng nên. Có nhiều người thấy mình thất thểu quá còn dừng xe hỏi có muốn đi nhờ xe không, trẻ con, người lớn ai đi qua cũng ngoái lại nhoẻn miệng cười thay lời chào, dễ thương lắm.
Nói về chuyến đi này, không thể không nhắc đến chú hướng dẫn viên của mình. Mình rất quý và ngưỡng mộ chú, một người đa tài, năng động, ham học hỏi, và vô cùng nhiệt tình, tốt bụng. Chú là người bản địa, biết tới mấy thứ tiếng lận, tiếng MNông, Ê Đê, J'rai, Lào, Thái, ... Chú còn là một nghệ nhân tạc tượng nhà mồ có tiếng của vùng này nữa, đã từng tham gia một số bộ phim tài liệu và truyền hình. Chú kể ngày trẻ từng ra ngoài Bắc làm người huấn luyện voi cho đoàn xiếc, dành dụm bao năm về quê mua mấy chục con trâu để lập nghiệp, nhưng chỉ sau một đêm mưa gió bị trộm hết cả. Câu chuyện buồn mà chú kể như chẳng có gì, vẻ mặt lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời. Bữa đó không chỉ giới thiệu về rừng, chú còn giúp mình biết thêm nhiều về văn hoá, con người vùng Buôn Đôn, các món ăn truyền thống nấu thế nào, nhà cửa được xây dựng ra sao, thuyền độc mộc ở Buôn Đôn khác thuyền Lăk thế nào, ... nhiều lắm.
Chiều muộn về đến văn phòng, chú lấy xe máy chở mình về, còn cho đi một tour miễn phí quanh buôn Yang Lành, trong ánh hoàng hôn rực rỡ của Tây Nguyên. Lúc tạm biệt chú hỏi mình có quay lại không, hẹn mùa lá đỏ dẫn thêm các bạn vô cùng cắm trại nhé. Nhất định cháu sẽ quay lại và rủ thêm các bạn. Trước lúc đó, hy vọng cháu có thể thay chú phần nào truyền tình yêu với rừng, với Tây Nguyên đến với mọi người.
VQG Yok Don vô cùng rộng lớn, bữa đó mình mới đi được có một mẩu bé tẹo à, ảnh trong bài chỉ là một phần bé xíu vẻ đẹp của Yok Don thôi ấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét