Mình luôn tin rằng đi tàu hoả là cách tuyệt vời
để khám phá nơi nào đó, đặc biệt là Myanmar. Đời sống văn hoá bản địa hiện hữu
rõ nét trên tàu và cả những khung hình lướt qua cửa sổ. Đi tàu còn là một cách
rất hợp lý để người rụt rè, hay ngại ngùng như mình có cơ hội đến gần hơn với
người dân địa phương.
Trong mười một ngày ở Myanmar, mình đi hai chuyến tàu, từ Mandalay đến Thazi và từ Thazi đến Kalaw. Thazi là điểm trung chuyển, do không có chuyến tàu chạy thẳng. Ngay từ những phút đầu tiên trên tàu, mình đã lập tức phát cuồng việc đi tàu ở Myanmar và quyết định sẽ di chuyển bằng tàu trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi. Nhưng vì vài lý do, cuối cùng mình chỉ đi được hai chuyến đó thôi.
Đầu tiên là chuyện mua vé tàu. Lúc mình đến ga Mandalay, liền có
rất nhiều tài xế taxi, xe ôm tiến đến, nhưng không phải để mời đi xe, mà để
hướng dẫn mình mua vé, ngạc nhiên chưa? (Người dân Mandalay dễ mến vô cùng,
nhưng mình sẽ kể thêm trong bài viết khác). Mình không nhớ chính xác, hình như
có khoảng mười lăm quầy vé, phân chia theo tuyến và hạng vé. Trên các quầy chỉ
có chữ Myanmar, mình không hiểu chi cả, may mà có những người tài xế chỉ giúp
nên không mất nhiều thời gian loay hoay. Mọi người xếp hàng mua vé rất nghiêm
chỉnh, chốc chốc lại có người quay sang nhìn mình nhoẻn miệng cười, dễ thương gì
đâu.
Mình thấy bộ phận xuất vé không dùng máy móc công nghệ gì hết, mà
có một cuốn sổ với sơ đồ ghế ngồi, rồi bán vé cho vị trí nào thì đánh dấu vào
đó. Vé được viết tay và dùng giấy than để sao các liên. Rồi không biết giữa các
ga sẽ cập nhật tình trạng ghế thế nào ta.
Có hai hạng vé ordinary class (ghế cứng) và upper class (ghế mềm). Khi đó mình tưởng tượng rằng upper class là khoang tàu thượng hạng với ghế mềm, điều hoà nên đã quyết định mua vé ordinary class. Nhưng chú bán vé cứ cố sức thuyết phục mình mua vé upper class, chú nói hạng ghế kia tệ lắm và giá vé hai hạng không chênh nhau bao nhiêu, chỉ 1.000 kyat cho ghế cứng và 1.950 kyat cho ghế mềm, tỷ giá cỡ 1.000 kyat ~ 16.000 vnd (rẻ dữ thần). Thiệt ra không phải mình tiếc tiền vé, mà mình nghĩ ở khoang ordinary có lẽ mình sẽ được thấy nhiều hơn về đời sống bình dân ở Myanmar. Nhưng nhìn vẻ mặt ái ngại của chú bán vé, mình nghĩ mình nên nghe theo chú.
Quả thật ở upper class, mình
được ngồi ghế mềm thoải mái, và vẫn được thấy nhiều điều thú vị đúng như mong đợi.
Upper class không phải một khoang tàu thượng hạng toàn người giàu có hay khách
du lịch. Thực tế cả khoang hôm đó chỉ có mình là khách du lịch, còn lại là người
dân có lẽ ở tầng lớp trung lưu với trang phục gọn gàng, sáng sủa nhưng vẫn có vẻ
chân chất, mộc mạc, khệ nệ tay xách nách mang hầm bà lằng đủ thứ hành lý đựng
trong bao tải, giỏ tre như về quê ăn Tết. Ghế trên tàu xoay đảo chiều được nên
các gia đình sẽ xoay ghế để ngồi đối diện nhau. Mỗi nhà trải một tấm bạt xuống
khoảng sàn trống giữa hai bên ghế, rồi bày đồ ăn, chăn gối như đi picnic. Trẻ
con ngồi chơi hoặc lăn lê bò toài tuỳ ý ở tấm bạt ấy, còn người lớn ngồi trên
ghế thư thái ngắm cảnh.
Phía bên kia là ordinary class |
Ghế ngồi của mình ở phía đầu toa, liền với toa ordinary class. Mỗi
khi đoàn tàu quẹo trái phải, mình có thể nhìn loáng thoáng phía bên ordinary
class, ghế gỗ, sàn gỗ bạc màu, hành khách chủ yếu người lao động, nhà sư, sinh
viên, ... Mình nghĩ đối với hành trình ngắn thì ghế gỗ không phải quá tệ, hồi
nhỏ mình vẫn hay đi tàu ngồi ghế cứng mà, lần sau quay lại mình sẽ thử ordinary
class xem sao.
Ở khoang upper class có hai dãy ghế, dãy đơn ký hiệu A, dãy đôi ký
hiệu B-C. Vì mình đi một mình nên được xếp ghế dãy A, may mắn thay buổi chiều
bên dãy ghế này không bị nắng hắt, còn có thể ngắm cảnh đẹp. Cửa sổ trên tàu có
hai lớp, lớp kính bên trong và lớp kim loại bên ngoài, tất cả cửa sổ đều được
mở để đón gió tự nhiên.
Đoàn tàu chuyển bánh chầm chậm ra khỏi nhà ga Mandalay vài trăm
mét, tới một ngôi nhà đang xây dựng. Các cô chú công nhân đứng trên nóc nhà vẫy
tay chào hành khách đi tàu, khi thấy mình đưa máy ảnh lên thì tiếng reo như to
hơn và nụ cười rạng rỡ gấp bội. Mình đã thấy cảnh vẫy chào nhiều rồi, nhưng khi
chính bản thân được trải nghiệm, đặc biệt là từ những người xa lạ, ở một nơi xa
lạ, mình có thoáng chút ngỡ ngàng, liền đó trào dâng niềm hạnh phúc khôn tả.
Phía trên mình đã nói rằng, bên dãy A có thể ngắm cảnh đẹp. Thiệt ra cũng không phải cảnh lộng lẫy gì, chỉ là cảnh sinh hoạt của những gia đình ven đường tàu lúc chiều tà. Trên suốt hai chuyến tàu mình đi, mỗi khi tàu chạy qua, hầu như tất cả mọi người đang làm gì cũng đều dừng lại để ngắm đoàn tàu, trẻ con vừa vẫy tay vừa chạy theo cười khúc khích. Mình đã lớn lên gần đường tàu, vì thế những điều này đối với mình vô cùng thân thuộc. Dù một ngày có bao nhiêu chuyến tàu chạy qua đi nữa, mình vẫn nhớ giờ để chạy ra ngắm, những chuyến tàu xuôi ngược chở bao điều mới lạ từ miền xa, đem lại sự huyên náo dẫu chỉ chốc lát cho miền quê vắng lặng.
Đối với mình thế giới bên đường tàu là thế giới hấp dẫn và khác lạ hơn cả so với những gì mình thấy ở Myanmar trước đó. Những ngày vừa qua, mình đã chỉ thấy những điều mà một người lạ rụt rè có thể thấy. Một Mandalay với những dãy nhà san sát đóng kín cửa, những con ngõ hun hút bí ẩn mà mình không dám bước vào. Một Bagan thôn dã nhưng kín cổng cao tường và thưa người qua lại. Nhà cửa ở đường lớn là vậy, không tường rào thì cũng đóng cửa im ỉm, để tránh sự soi xét của người ngoài. Còn những ngôi nhà bên đường tàu, không cổng, hàng rào sơ sài, cửa lớn cửa nhỏ có bao nhiêu mở ra cả. Nhờ đi tàu, mình có cơ hội thấy một trong những khung cảnh nhộn nhịp nhất trong ngày, cái nét bình dị thường nhật không dễ gì thấy được ở nơi khác. Ấy là lúc chiều tà, khi mà mọi thành viên đã trở về nhà, các mẹ, các chị chuẩn bị cơm tối, hay giặt giũ, đàn ông tắm gội ngay sân giếng, người già ngồi bên hiên nhà hóng gió, trẻ con thì tíu tít nô đùa, ... Nhà ở đây phần lớn có vách nứa hoặc vách gỗ đơn sơ, thiết kế kiểu truyền thống, với gầm thấp, một hoặc hai tầng, có mái hiên rộng. Điều mình thích ở những ngôi nhà này là có nhiều cửa sổ, nên rất thông thoáng, đặc biệt những ngôi nhà hai tầng còn có kiểu cửa rất hay ho. Ở tầng hai ít khi làm ban công, mà trổ nhiều cửa, những cánh cửa này khi đóng lại nhìn giống cửa ra vào bình thường, nhưng thực ra có hai phần cánh cửa riêng biệt phía trên và phía dưới. Phần trên không có song và phần dưới có song cửa thay thế cho lan can. Có thể mở cánh cửa hai phần một lúc hoặc đóng một trong hai rất linh hoạt, mình thấy hay ghê á.
Nhà ở khu đô thị thì san sát còn nhà nông thôn có khuôn viên rộng
rãi. Khuôn viên của mỗi nhà gồm một ngôi nhà chính, một khu vệ sinh cách đó vài
mét, chuồng gia súc, giếng, sân và vườn, được bao quanh bởi hàng rào đơn giản,
chỉ có chức năng phân định ranh giới, chứ không để che chắn chi cả. Nhà nào
cũng trồng nhiều cây, mùa này lá cây rụng vàng phủ kín mái hiên, mặt đất. Nhà
cửa, rồi cả con người, đơn sơ, mộc mạc là vậy, nhưng lại không hề tạo cảm giác
tiêu điều, nghèo đói. Tất cả hài hoà, xinh đẹp như thơ như tranh, một bức tranh
bình yên mà sống động, đượm cả nét vô tư, chân phương của con người nơi đây,
bức tranh mà mình đã không dám tin còn có thể được chiêm ngưỡng trong thời đại
này.
Trên đường tàu chạy qua, giữa các khu dân cư, là những cánh đồng mùa khô trơ trọi, bãi chăn thả dê, bò trắng. Lác đác trên cánh đồng chỉ có vài cây cọ đứng đơn côi. Cơ mà buổi chiều muộn, nhìn người dân lùa đàn bò, đàn dê về, cũng thích lắm. Mình được xem một triển lãm tranh ở Mandalay, trong đó nhiều bức tranh vẽ bò trắng, có vẻ như đây là một trong những hình ảnh đặc trưng của Myanmar.
Chuyến tàu từ Mandalay đến Thazi kéo dài ba tiếng rưỡi, khởi hành
lúc bốn giờ rưỡi chiều, đến Thazi lúc bảy giờ rưỡi tối. Mình ăn tối trên tàu,
một suất cơm rang 2.500 kyat, để đến nơi nghỉ ngơi cho sớm. Ngay từ lúc lên
tàu, đã có nhân viên cầm menu đi hỏi hành khách, tổng cộng có ba bạn nhân viên
hỏi mình về việc đặt bữa tối, dù mình có nói đã có người hỏi rồi nhưng vẫn sợ
lúc sau sẽ có ba suất cơm được mang lên. Rất may là các bạn làm việc chuẩn
chỉnh, phục vụ đúng một suất thôi. Nhân viên trên tàu mặc đồng phục với sơ mi,
áo vest, quần âu nhưng đi dép xỏ ngón. Các bạn rất thân thiện và lịch sự, nói
tiếng Anh khá tốt, chốc chốc lại tới hỏi mình đồ ăn có ổn không, có bất tiện gì
không ... Lúc mình ăn xong, đang loay hoay không biết gập bàn ăn thế nào, thì
có một chú bán hàng rong đi qua để ý thấy liền gập giúp mình. Trên tàu có nhiều
người bán hàng rong như tàu ở nước mình, chủ yếu bán đồ ăn vặt, cơm hộp, trái
cây, nước chè, trầu cau với đầy đủ đồ têm trầu, ... Mọi người đi qua đi lại rao
hàng, được vài lượt thì mình cũng thuộc lời rao luôn. Có một điều mình thấy lạ
lẫm là trên tàu còn có cả cảnh sát đi tuần với súng ống thị uy nhìn rất oách,
hình như tàu bên nước mình không có cảnh sát đúng không nhỉ? Trong số các nhân
viên, có một bạn đặc biệt hỏi chuyện mình nhiều nhất, mấy ngày vừa rồi mình
toàn đi một mình, ít trò chuyện với ai, giờ có dịp được nói thấy thoải mái ghê,
tâm trạng tốt hơn hẳn.
Đến ga Thazi, mình chạy lại phía một nhóm nhân viên trên sân ga để hỏi giờ tàu đi Kalaw ngày hôm sau. Các bạn ấy liền nhanh nhảu đưa mình đến văn phòng, cũng chính là bộ phận xuất vé. Trong văn phòng lúc ấy có hai chú trực ban, thấy mình liền mời ngồi rất lịch sự, rồi đưa mình một tờ giấy A5 đánh máy có ghi rõ giờ giấc và giá vé các chuyến tàu khởi hành từ Thazi. Chú ấy chỉ cho mình thông tin chuyến tàu đi Kalaw, dặn tới nhà ga trước ba mươi phút để mua vé, vì sáng mai mới xuất vé được. Chú nói mình cầm tờ giấy về ngâm cứu thêm, chú in sẵn còn nhiều lắm. Ngoài thông tin các chuyến tàu, trên tờ giấy ấy còn ghi thêm: "Chuyến tàu tới bang Shan (Kalaw thuộc bang Shan) rất đẹp. Các bạn có thể ngắm nhìn những cung đường zig zag uốn lượn, đồi núi xanh ngát, hoa tươi xinh xắn và qua ba hang động. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ hài lòng." Ai bảo Myanmar không biết làm du lịch nào? Có thể cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đất nước còn nghèo, nhưng rõ ràng người Myanmar đang làm tốt nhất có thể, bằng cách đem đến cho du khách điều vô cùng quý giá, chính là lòng mến khách và sự nhiệt thành của họ.
Thazi có hai nhà nghỉ nổi tiếng
cho những hành khách trung chuyển tới Kalaw: Moonlight guest house và Wonderful
guest house. Hai nhà nghỉ này cách nhau chỉ vài mét, và cách ga Thazi tám trăm
mét. Moonlight guest house ra đời trước, có lẽ do làm ăn phát đạt quá nên
Wonderful guest house nối gót theo. Mình đọc trên tripadvisor thì Wonderful mới
hơn, tiện nghi hơn, sáng hôm sau khách còn được đánh xe ngựa đưa ra ga, nhưng
vì mình nhìn thấy Moonlight trước, lúc ấy mệt quá rồi nên vào Moonlight luôn.
Chủ Moonlight guest house là một bác tầm hơn sáu mươi tuổi, râu bạc rậm dài, đầu
quấn khăn, nom hao hao người Ấn Độ. Mình thuê phòng không có toilet khép kín
giá 8.000 kyat (rẻ hơn phòng khép kín 2.000 kyat), phòng ở tầng hai, view đường
phố, có hai giường đơn, quạt trần, dây phơi. Nhà tắm chung khá cũ, không có vòi
sen và nóng lạnh. Nói chung tiện nghi ở mức hết sức cơ bản, nhưng chỉ nghỉ một
đêm, mình cũng không đòi hỏi gì hơn. Phần lớn ngôi nhà được làm bằng gỗ: vách tường,
sàn nhà, cầu thang ... Ở trong phòng có thể nghe rõ tiếng bước chân, tiếng cười
nói ngoài hành lang, chân thực sống động như ở ngay sát bên.
Ở Moonlight guest house, khách trọ thanh toán tiền phòng trước,
sáng hôm sau nếu đi sớm thì tự mở cửa cuốn. Có hai chuyến tàu đi Kalaw lúc năm
giờ và tám giờ sáng, đối với mình năm giờ quá sớm nên mình đi chuyến tám giờ.
Lúc xuống trả phòng, bác chủ đưa mình phần ăn sáng mang đi bao gồm ba kẹp
sandwich với ba vị mứt, hai quả chuối tây và một chai nước lọc; không quên chúc
mình đi chơi vui. Mình lúc nào cũng dễ xúc động bởi những bất ngờ nho nhỏ mà
ngọt ngào như thế.
Hơn bảy giờ sáng, mình đi bộ ra ga Thazi trên con đường làng trải nhựa. Bên lề đường có một gánh hàng ăn sáng, một chiếc bếp nhỏ với chảo dầu bên trên đang rán loại bánh gì đó, vài thúng mẹt và ghế con. Khách hàng ngồi tụm lại vừa ăn sáng vừa chuyện trò rôm rả.
Ga Thazi sáng sớm đã khá
đông đúc. Mình xếp hàng mua vé nhưng liên tục có người chen lên, không có hàng
lối chi cả, khác hẳn không khí ngay ngắn, nghiêm chỉnh ở ga Mandalay. Trong khi
mình phân vân không biết có nên chen lấn hay không, thì có một khoảng trống hở
ra đủ để chú bán vé trông thấy mình. Chú liền nói những người khác đứng gọn
sang một bên để mình tiến lên. Khi biết mình mua vé đi Kalaw, chú nói quầy bán
vé Kalaw ở sân ga khác và cử ngay một nhân viên hộ tống mình qua đó. Trước quầy
bán vé có một tấm bảng nhỏ ghi "Warmly welcome & take care of
tourists", quả thật các nhân viên đường sắt Myanmar đã làm rất tốt theo
đúng khẩu hiệu này. Dường như mỗi người đều tự ý thức được bản thân là đại sứ
du lịch của đất nước, luôn nỗ lực hỗ trợ khách du lịch rất nhiệt tình, chu đáo
và chủ động.
Mua vé xong, mình đang đứng
giữa sân ga chụp ảnh, thì có một nhân viên xăm xắn đưa mình lên tàu, tới tận ghế
ngồi. Mình lên tàu ổn định chỗ ngồi, thảnh thơi ngắm nhìn nhịp sống sáng sớm ở
sân ga trong lúc đợi tàu chạy. Một quầy ăn sáng với mấy cái nồi nghi ngút khói,
lảng bảng trong ánh nắng sớm mai. Cách đó không xa, người dân ngủ trên những tấm
bạt trải ngay trên nên nền sân ga, đầu gối lên balo hay túi du lịch. Lúc đó đã
gần tám giờ sáng, một vài người bắt đầu thức giấc, người thì vẫn nằm tại chỗ với
gương mặt ngái ngủ, người thì dậy thu dọn chăn gối cất vào bao tải, rồi đánh
răng rửa mặt ngay bên đường tàu. Ai cũng vậy, hành lý là túi quần áo, bao tải
hay giỏ tre chứa cả thế giới bên trong. Sân ga Thazi sớm hôm ấy giống như một
dãy nhà liền kề với những bức tường vô hình. Mọi hoạt động sinh hoạt đời thường
đều diễn ra hết sức tự nhiên, quen thuộc, không có vẻ gì tạm bợ, gấp gáp.
Hành trình từ Thazi đi Kalaw
kéo dài bảy tiếng rưỡi, vậy mà vé còn rẻ hơn chuyến trước, chỉ 1.850 kyat cho
upper class. Cảnh quan về phía Nam bắt đầu nhiều sắc xanh hơn nhưng cũng không
quá mơn mởn vì đang là mùa khô. Đúng như tờ giấy mình được phát ở ga, chuyến
tàu tới Kalaw chạy qua cung đường zig zag uốn lượn quanh đồi núi, ở những khúc
quanh có thể ngắm đầu tàu qua cửa sổ. Có những đoạn một bên là vách núi, một
bên là thung lũng, có đoạn lại cảm giác như đoàn tàu đang chạy trên sống lưng
khủng long, cảnh đồi núi bao la trập trùng mở ra ở cả hai bên. Vì đang mùa khô
nên cảnh sắc không mướt mát cho lắm, nhưng với mình lại lại khá hay ho. Ngay
trước khi tới Myanmmar, mình đã có chuyến đi tới Tây Nguyên, nơi cũng đang trải
qua mùa khô với khí hậu và cảnh quan có nhiều nét tương đồng với bang Shan.
Mình được gặp lại nhiều loài cây như tre trúc khô, cây Dầu lá rộng, cẩm liên,
..., ngoài ra còn có nhiều loại hoa mùa khô rất đẹp, hầu hết các cây đã trụi lá
nên hoa càng vì thế mà nổi bật, có loài trắng như hoa ban, có loài màu đỏ cam,
có cả hoa gạo nữa, những cây gạo cổ thụ to chưa từng thấy sừng sững trên sườn
núi. Vì cửa sổ trên tàu đều được mở hết, nên dù ngồi trên tàu nhưng vẫn có cảm
giác như đi giữa thiên nhiên, tận hưởng nắng gió ùa vào khoang tàu, thi thoảng
chạy qua rặng cây sát đường tàu, cành cây nhỏ đập vào cửa sổ khiến mình hết hồn,
nhưng may chỉ đập lướt qua vỏ tàu chứ không quẹt vô người.
Tàu chạy qua nhiều ga xép, có ga dừng có ga không. Ga nào cũng
xinh xắn vô cùng, với mái hiên gỗ hình chóp sơn trắng và xanh lá, băng ghế gỗ nhỏ,
vài khóm hoa tươi, chum nước ... Điều không thể thiếu ở những nhà ga và cũng là
điều thu hút mình nhất chính là hàng quán và người bán hàng rong với đủ mặt
hàng nào bánh trái, cơm hộp, hoa tươi, trái cây, gừng tỏi, ... Khung cảnh cao
nguyên nơi ga tàu như một bức tranh ngập tràn sắc màu rực rỡ, tươi tắn của con
người, hoa trái, nhà cửa.
Lúc tàu dừng ở một ga gần Kalaw, mình mua một suất cơm hộp gồm thịt gà rang, măng xào và nước sốt, giá 1.000 kyat. Mình đưa tờ 5.000 kyat, cô bán hàng tất tưởi chạy đi đổi tiền lẻ rồi quay lại với gương mặt mừng rói, kiểu may quá tàu chưa chạy. Cũng chính ở ga đó, mình gặp một bạn gái trẻ tuổi cũng là khách du lịch, ngồi ghế ngay phía trước mình. Bạn ấy lên từ ga đó và có vẻ rất thân thiết với người dân, lúc tàu chạy, ai cũng vẫy tay chào tạm biệt bạn vô cùng thân tình, quyến luyến. Hành lý bạn ấy mang theo chỉ có một balo nhỏ, dạng balo dùng trong ngày, mình đã rất băn khoăn không hiểu sao có thể đi du lịch với hành trang nhỏ gọn cỡ đó, trong khi mình tối giản lắm rồi cũng phải mang một balo sáu kí. Hoá ra rất trùng hợp, bạn ấy chính là người ở cùng chỗ với mình ở Kalaw. Bạn kể mấy ngày nay ở Kalaw, bạn toàn bắt tàu hoả đi mấy vùng lân cận chơi, được giao lưu với người địa phương nhiều. Suốt trên hai chuyến tàu, mỗi lần qua khu dân cư, mình lại muốn nhảy xuống chơi với mọi người mà không biết phải làm sao. Lần sau mình nhất định sẽ học theo bạn ấy, chứ chuyến đi này mình không đủ thời gian nên chưa kịp thử.
Tàu đến ga Kalaw, một nhà ga cổ có kiến trúc phương Tây được xây
dựng từ thời thuộc địa Anh. Nhà ga khá đẹp và cổ điển, nhưng vì háo hức khám
phá Kalaw, mình đã để dành và định bụng lúc về sẽ ngó nghiêng sau, nhưng cuối
cùng chuyến về mình lại không đi tàu, không quay lại ga Kalaw nữa. Kinh nghiệm
rút ra là muốn làm gì thì làm luôn, vì không biết chuyện gì sẽ đến, nhất là với
người tuỳ hứng như mình.
Vậy đó, đó là toàn bộ hành trình đi tàu tại Myanmar của mình. Trong mười một ngày ở Myanmar thì mười mấy tiếng trên tàu là trải nghiệm đáng giá, thú vị nhất của mình, mà chi phí lại rẻ nhất nữa. Mình đã đi tàu hoả ở Việt Nam nhiều lần suốt từ khi còn nhỏ, nhưng đi tàu ở Myanmar là một trải nghiệm rất khác và nhiều cảm xúc. Tin mình đi, đó chắc chắn là một cách cực kỳ tuyệt vời để khám phá Myanmar.
Nhận xét
Đăng nhận xét