Mình đến Melaka vào một ngày giữa
tháng Ba, trong chuyến đi Singapore – Malaysia đúng dịp sinh nhật mình. Bạn
đồng hành của mình là Huế, một người bạn cùng lớp đại học, hiện đang làm việc ở
Malaysia. Mình và Huế hẹn nhau ở sân bay Changi và cùng khám phá Singapore hai
ngày trước khi sang Melaka.
Sáng thứ Bảy, tụi mình trả phòng
ở Singapore từ lúc tinh mơ mờ đất rồi đi bộ ra bến xe cách đó không xa. Hai đứa ăn
vội cơm cuộn tam giác mua ở 7 Eleven trong lúc chờ xe chạy. Xe bus tụi mình đi
là Redbus – một hãng xe của Malaysia, xe rộng rãi, toàn bộ là ghế đơn, to và
dài như ghế masage, rất thoải mái.
Tụi mình xuống xe ở Malacca
Mahkota Medical Centre, từ đây đi bộ khoảng mười lăm phút là tới trung tâm
Melaka, gần hơn nhiều so với bến xe chính của thành phố là Melaka Sentral. Dù
quãng đường không dài, nhưng đi bộ dưới cái nắng gay gắt với bụng đói meo quả
thật hơi mệt mỏi, vì vậy việc đầu tiên là tìm chỗ ăn lót dạ cái đã.
Jonker Walk Street
Khi đến trung tâm Melaka Huế dẫn
mình tới Jonker Walk Street – một khu phố của người Hoa để tìm quán cơm gà viên
nổi tiếng Kedai Kopi Chung Wah. Nghe Huế bảo quán ở ngay đầu phố nhưng tìm mãi
không thấy, nên hai đứa quyết định chọn quán khác. Đi dọc Jonker Walk Street có
rất nhiều quán cơm gà viên, nhưng không hiểu sao Huế cứ đi mãi mà không vào
quán nào. Đường thì hẹp và đông người, không thể đi cạnh nhau cũng không đứng
lại được nên mình chỉ biết hoang mang đi theo Huế mà không hỏi han gì được
nhiều.
Hóa ra Huế đưa mình đến JONKER 88
- một quán ăn Nyonya rất nổi tiếng ở Melaka. Quán nhỏ với một khoảnh hiên chứa
được hai bàn tròn (bốn người/bàn), không gian bên trong quán cũng khá chật và
có nhiều người phải đứng bê khay đồ ăn đợi chỗ trống. Tụi mình cũng phải đứng
một lúc chừng mười phút thì được một gia đình gọi lại ghép bàn với họ. Đi sâu
vào cuối quán là khu vực bếp và cũng là nơi gọi món, trên quầy có treo menu
nhưng nhìn muốn hoa mắt luôn, món nào cũng màu đỏ choét, cam lè, tên món lại
đều là tiếng địa phương. Tần ngần hồi lâu mình chọn một món bún nước Laska,
mình không nhớ chính xác vị đã chọn là gì, chỉ biết mình đã suýt xỉu khi
nhìn thấy nước dùng màu đỏ đặc chưa ăn cũng biết là siêu cay. Món này có sợi
bún to, ăn kèm giá đỗ, đậu phụ chiên, chả cá, tôm, … Mình không trộn mà gắp
ngay miếng đậu phụ phía trên, dù miếng đậu không ngập trong nước dùng nhưng vẫn
cay xè lưỡi, ăn thêm một gắp bún thì mình không thể cố thêm được nữa. Thấy vậy
Huế liền đề nghị đổi món với mình vì món của Huế không cay, nghĩ lại vẫn thấy
ái ngại ghê. Ăn xong tụi mình gọi thêm chè bánh lọt Cendol tráng miệng, đây
cũng là món rất nổi tiếng của JONKER 88. Món chè này được làm từ đá bào, bánh
lọt, sữa dừa, đường cọ dừa, lá dứa và đậu đỏ, tô chè tụi mình gọi còn có thêm
sầu riêng nữa. Không biết có nhiều bạn biết Malaysia chính là Vương quốc sầu
riêng không, chứ tới đây mình mới biết đó. Ăn uống no say xong, hai đứa tiếp
tục lên đường khám phá Jonker Walk Street.
Jonker Walk Street là một khu phố
nằm dọc bên dòng sông Melaka thơ mộng. Khu phố này khiến mình liên tưởng đến
Hội An, với đường nhỏ hẹp, dãy nhà cổ theo kiến trúc Trung Hoa với đèn lồng đỏ
đặc trưng. Ở đây có nhiều bảo tàng tư nhân trong các ngôi nhà hàng trăm năm
tuổi cùng nhiều đền, chùa của đạo Khổng, đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Kito. Ngoài ra
còn có vô số quán café và cửa hàng đồ lưu niệm thủ công bắt mắt, nhưng tụi mình
chỉ đi qua và ngó nghiêng chứ không vào trong.
![]() |
Tranh vẽ các cô gái Nyonya của họa sĩ Grace Choong. Nguồn tại đây |
Ngoài ra, một trong những điều
mình ấn tượng nhất về Melaka nói chung cũng như Jonker Walk Street nói riêng là
văn hóa Peranakan, thể hiện rõ nét nhất trong kiến trúc và ẩm thực. Peranakan
trong tiếng Mã Lai nghĩa là "con lai", để chỉ hậu duệ của những
thương nhân Trung Quốc và các cô gái Malaysia bản địa xưa kia. Người Peranakan
sinh sống chủ yếu tại Singapore và hai bang của Malaysia là Melaka và Penang.
Người nam Peranakan được gọi là Baba, còn người nữ là Nyonya. Mình lần đầu biết
đến văn hóa Peranakan hay Baba&Nyonya khi xem bộ phim truyền hình Singapore
The little Nyonya (tên tiếng Việt Chuyện tình cô bé lọ lem), lấy bối cảnh
Melaka những năm 1930. Lúc này, dạo bước quanh Jonker Walk Street, ngang qua
những dãy nhà cổ kính, trầm mặc, mình bâng khuâng nhớ về bộ phim ấy, về một
thời kỳ đầy rực rỡ của văn hóa Peranakan cũng như Melaka, ngỡ như lịch sử bỗng
chốc thật sống động. Những câu chuyện xa xưa chưa bao giờ gần ta đến thế.
Jonker Walk World Heritage Park
Ở đoạn giữa phố có một công viên
tên Jonker Walk World Heritage Park, gọi là công viên nhưng đó chỉ là khoảng
sân nhỏ và một ngôi nhà mà mình cũng chưa vào, ở giữa sân có một bức tượng bán
thân lớn của Datuk Wira Gan Boon Leong – người được coi là “Cha đẻ của bộ môn thể
hình Malaysia”. Về sau mình tìm hiểu thì biết rằng ông không chỉ thành công
trong thể thao mà còn là một chính khách nổi tiếng của Malaysia. Hai bên sân
công viên có một số bức bích họa, tiểu cảnh, cây cối xanh mát và ghế đá cho
khách nghỉ chân. Ở đây sự vô tích sự của mình được nâng lên một tầm nữa, chuyện
là Huế đề nghị mình để balo vào vali của Huế cho gọn vì đồ của hai đứa đều
không nhiều. Hai bạn bày đồ hàng rồi hì hụi đút đút nhét nhét một hồi cuối cùng
cũng vừa. Từ đó chỉ có mình Huế kéo vali đồ của cả hai đứa đi khắp nơi, lên đồi
xuống biển đủ cả; còn mình chỉ việc vác thân mình đi thôi.
Malaysia – China Friendship Bonatical Square
Tụi mình đi tiếp đến một quảng
trường nhỏ nối liền khu phố và bờ sông, ở đây có bức tường sặc sỡ là điểm check
in nổi tiếng của Melaka, trên tường có ghi KIEHL’S, không biết có phải ngôi nhà
này là cửa hàng của KIEHL’S không vì lúc mình đến thì đóng cửa. Chạy dọc quảng
trường là một hàng cây mà mình không biết tên, cây có thân mảnh cao, tán tròn
dáng bằng ngang, lá nhỏ cỡ hai đốt tay, lòng xanh viền trắng. Mình tả rõ vậy vì
mình cực thích cây này, nhìn rất chi là mộng mơ, không biết ở Việt Nam có không
để sau này mình mang về nhà trồng ngắm. Đầu quảng trường phía giáp bờ sông có
một phiến đá lớn ghi Malaysia – China Friendship Bonatical Square (Quảng trường
Hữu nghị thực vật Malaysia – Trung Quốc ???, mình không rõ botanical nên hiểu
là gì nữa).
So với con phố đông đúc khách du
lịch vừa rồi, thì ở quảng trường này mình gặp nhiều người địa phương hơn. Mình
đặc biết chú ý đến những người Hồi giáo, bởi quả thật chuyến đi này là lần đầu
tiên mình nhìn thấy người Hồi giáo ngoài đời, và họ rất khác với những gì mình
vẫn nghĩ. Phụ nữ mặc trang phục riêng nhưng không phải những bộ niqab đen kịt
che kín từ đầu tới chân mà mình thường thấy qua tivi, báo chí. Họ chỉ quấn khăn
trùm đầu đủ màu sắc và vẫn để lộ toàn bộ gương mặt. Mọi người đều hiền hòa,
thân thiện với nụ cười thường trực trên môi.
Buổi chiều phía bên này sông râm
mát, ngồi hóng gió cực kỳ tuyệt, nắng dát vàng rực rỡ trên những bức bích họa
bên kia sông, dòng Melaka lững lờ lấp loáng dưới nắng chiều, êm đềm ru lòng
người lữ khách. Khoảnh khắc đắm chìm giữa không gian thanh bình, thơ mộng đó,
mình nghĩ mình đã phải lòng Melaka mất rồi.
Quảng trường Hà Lan (Dutch Square)
Rời Jonker Walk Street, tụi mình
sang phía bờ sông bên kia để khám phá một Melaka thật khác. Nếu Jonker Walk
Street mang phong cách bản địa truyền thống, thì bên kia sông lại mang đậm hơi
thở phương Tây. Dòng sông Melaka là ranh giới tự nhiên chia đôi thành phố, một
bên là khu dân cư thương mại, một bên là trung tâm hành chính. Từ Jonker Walk
Street, đi qua cây cầu nhỏ là tới Quảng trường Hà Lan (Dutch Square) được bao
quanh bởi các công trình kiến trúc màu đỏ gạch mang dấu ấn của người Hà Lan
thời thuộc địa. Trung tâm quảng trường có Đài phun nước Nữ hoàng Victoria
(Queen Victoria’s Fountain) được người Anh xây dựng năm 1901; một cối xay gió
do người Malaysia xây dựng và Tháp đồng hồ Tan Beng Swee do một thương nhân người
Hoa là Tan Jiak Kim xây dựng năm 1886 để tưởng nhớ người cha của mình.

Nổi bật nhất phải kể đến Nhà thờ
Christ hay còn gọi là Nhà thờ Đỏ, được người Hà Lan xây dựng trong thời gian
chiếm đóng Melaka. Công trình tôn giáo này có thể coi là biểu tượng của Melaka,
dù không quá lớn nhưng thiết kế xinh xắn, hài hòa, với tuổi đời hơn hai trăm
năm. Nhà thờ mở cửa tham quan miễn phí từ thứ Hai tới thứ Bảy nhưng không hiểu
sao hôm đó tụi mình không vào nữa, tiếc ghê chứ.
Bảo tàng The Stadthuys
Ngay bên cạnh Nhà thờ Christ là
The Stadthuys, trước kia từng là tòa thị chính của Melaka dưới thời cai trị của
Hà Lan và trường học tiếng Anh miễn phí trong thời gian cai trị của Anh. The
Stadthuys hiện nay là một Bảo tàng Lịch sử và Dân tộc học, tái hiện nền văn hóa
đa dạng và lịch sử lâu đời của Melaka. Mình đã hết sức bất ngờ khi biết Melaka
nhỏ xinh, yên bình từng là một thương cảng sầm uất của Đông Nam Á với biết bao
thăng trầm lịch sử.
![]() |
Lối lên và hành lang bên hông The Stadthuys |
Theo thông tin tại The Stadthuys,
Vương quốc Melaka được thành lập năm 1262 và là thành phố cổ xưa nhất Malaysia.
Với vị trí đắc địa trên eo biển Melaka và tài thương mại, hàng hải của người Mã
Lai, Melaka sớm trở thành trung tâm giao thương tấp nập bậc nhất của khu vực.
Cùng với đó là sự di cư của người Hoa, người Ấn Độ, người Ả Rập đem lại nền văn
hóa giao thoa đa dạng và du nhập các tôn giáo như đạo Phật, đạo Hindu và đạo
Hồi. Trong đó Hồi giáo có sự phát triển mạnh mẽ nhất và trở thành Quốc giáo của
Melaka, tạo tiền đề cho việc Hồi giáo hóa toàn bộ bán đảo Mã Lai và các đảo lân
cận.
Năm 1511 đánh dấu sự sụp đổ của
Vương quốc Melaka khi bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng để làm bàn đạp đánh chiếm
Ấn Độ và thống trị con đường thương mại châu Á. Từ đây Melaka trải qua hàng thế
kỷ làm thuộc địa lần lượt của Bồ Đào Nha (1511-1641), Hà Lan (1641-1824) và Anh
(1824-1957).
Bảo tàng trong The Stadthuys
trưng bày các hiện vật cổ như vũ khí, dụng cụ sinh hoạt, làm việc, trang phục
truyền thống, tái hiện nhà ở, nghi lễ của người Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ, Bồ
Đào Nha, Baba & Nyonya, Chitty, Kristang …
![]() |
Một số hiện vật tại The Stadthuys |
Bảo tàng được thiết kế theo hình chữ
U, phía sau là một khuôn viên nhỏ, có bức tượng của Đô đốc nhà Minh Trịnh Hòa -
nhà thám hiểm nổi tiếng được ví như Christopher Columbus của châu Á. Nếu các
bạn muốn tìm hiểu thêm về vị Đô đốc này cũng như lịch sử hàng hải của Melaka,
thì có thể tham quan Bảo tàng Văn hóa Trịnh Hòa (Cheng ho Culture Museum) ở
Jonker Walk Street.
Phía sau The Stadthuys còn có một
phòng trưng bày nhỏ về giáo dục bao gồm tranh ảnh, đồng phục học sinh, mô phỏng
lớp học qua các thời kỳ. Tụi mình đang la cà tham quan thì đến giờ bảo tàng
đóng cửa, có một bác lên nhắc nhưng vẫn xông xênh cho thêm năm mười phút để
ngắm nghía nốt.
Nhà thờ St.Paul’s
Từ The Stadthuys, tụi mình men
theo lối nhỏ dẫn lên đỉnh đồi St.Paul’s, nơi có nhà thờ St Paul’s. Đây là nhà
thờ cổ nhất Malaysia và Đông Nam Á, được người Bồ Đào Nha xây dựng năm 1521.
Nhà thờ hiện đã bị cháy rụi hoàn toàn phần mái, chỉ còn lại những bức tường
loang lổ sừng sững. Bên trong có nhiều bức bia mộ lớn bằng đá đặt sát tường,
đây là các bia mộ của người Hà Lan và Anh, còn mộ của người Bồ Đào Nha đã được
chuyển xuống Christ Church. Khu vực trung tâm trong nhà thờ đặt ngôi mộ tạm
được rào bằng lưới thép của Thánh St. Francis Xavier (1506 -1552) – nhà truyền
giáo Công giáo tiên phong nổi tiếng của Malaysia và phương Đông. Phía trước nhà
thờ có bức tượng để tưởng nhớ sự ra đi của vị Thánh này. Bức tượng màu trắng và
bị cụt một tay do bị cành cây rơi trúng.
Phía ngoài nhà thờ có nhiều quầy
hàng lưu niệm và người hát rong. Tụi mình dừng bước lắng nghe giai điệu vui
tươi của một bác vừa hát vừa chơi guitar. Khi mình ủng hộ bác chỉ 1RM (khoảng
6.000VND), bác đã nói “cảm ơn” bằng tiếng Việt khiến mình hết sức ngạc nhiên và
vui nữa. Trên đỉnh đồi rợp bóng cây xanh mát, từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm
nhìn toàn bộ khung cảnh Melaka xinh đẹp. Dù rất muốn nán lại lâu chút nữa,
nhưng tụi mình vẫn phải rời đi để kịp ngắm hoàng hôn ở Thánh đường Hồi giáo
Masjid Selat Melaka.
Ở Melaka có rất nhiều chiếc xe
Trisaw sặc sỡ, là loại xe ba bánh tựa xích lô của Việt Nam, có mái che, được
trang trí với hoa, thú bông dễ thương hình Doraemon, Pikachu, Kitty …
và phát nhạc vui nhộn để thu hút du khách. Khi xuống chân đồi St Paul’s, tụi
mình cũng trải nghiệm một chiếc xe trisaw đến Quảng trường Hà Lan để đón grab
đến Thánh đường Hồi giáo Masjid Selat Melaka.
Thánh đường Hồi giáo Masjid Selat Melaka
Thánh đường Hồi giáo Masjid Selat
Melaka (hay Malacca Straits Mosque) nằm trên một hòn đảo nhân tạo ven biển phía
Đông Melaka. Khi đến nơi, mình như đã nghẹt thở trước cảnh tượng tuyệt đẹp
trước mắt, Thánh đường tráng lệ, lộng lẫy dưới ánh hoàng hôn rực rỡ như chốn
thần tiên trong những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Thánh đường Masjid Selat
Melaka được thiết kế theo phong cách Trung đông kết hợp với kiến trúc truyền
thống của Malayia, là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đẹp nhất
tại Malaysia.
Tụi mình đến đúng vào giờ cầu
kinh nên không được vào trong, chú bảo vệ nói hãy quay lại vào sáng mai, và tỏ
ra rất ái ngại khi biết tụi mình sẽ rời Melaka ngay tối nay. Dù có tiếc nuối vì
chưa được chiêm ngưỡng bên trong Thánh đường, nhưng chẳng phải chút luyến lưu,
chút tiếc nuối sẽ gây thương nhớ và khiến người ta muốn quay lại sao.
Lúc ngồi phía ngoài Thánh đường
nhìn mọi người sửa soạn cho buổi cầu kinh, mình có cảm giác yên bình, thư thái
kỳ lạ. Trước giờ mình chưa từng quan tâm đến tín ngưỡng tôn giáo, cũng như Hồi
giáo nói riêng, nhưng giây phút ấy mình thấy thật sự tò mò về niềm tin của họ.
Chắc hẳn sẽ có những câu chuyện, những nỗi niềm ẩn chứa về niềm tin ấy, nhưng
lúc này đây mình chỉ biết hiện hữu trước mắt là những con người quá đỗi hiền
hòa, là không gian thanh bình, tươi đẹp như miền cổ tích, có thể xoa dịu tâm
hồn bất kỳ ai.
Hai bên Thánh đường có bờ đá tập
trung rất nhiều người đến ngắm hoàng hôn. Dù đông người nhưng không hề ồn ào,
chỉ có tiếng sóng vỗ về bờ đá hòa với tiếng cầu kinh từ Thánh đường vọng lại.
Mặt trời dần khuất phía chân trời, nhưng ai nấy đều như đang miên man đắm chìm
trong thế giới của riêng mình, chẳng nỡ rời bước đi.
Khi nắng chiều tắt dần, Thánh
đường bắt đầu bật đèn phía xung quanh, chắc hẳn lúc trời tối, ánh sáng đa sắc
màu phản chiếu xuống mặt nước sẽ rất lung linh, huyền ảo. Dù đầy tiếc nuối nhưng tụi mình vẫn phải đi vì còn muốn đến chợ đêm ăn tối trước
khi ra bến xe.
Chợ đêm Melaka
Chợ đêm được tổ chức ở chính khu
phố Jonker Walk Street, và là hoạt động được nhiều người gợi ý khi đến Melaka.
Tuy nhiên lúc đó vì đã thấm mệt sau một ngày di chuyển liên tục, nên mình không
thấy tận hưởng lắm, nhất là khi người đông như nêm, bước còn khó chứ chưa nói
đến việc đứng lại ngắm nghía, mua sắm gì. Điều khiến mình ấn tượng và tò mò
nhất là có rất nhiều quán bày bán áo phông in hình Bob Marley, mình chỉ biết
huyền thoại nhạc Reggae này là người Jamaica chứ chưa biết ông có liên hệ đặc
biệt gì với Melaka hay Malaysia.
Sau một hồi chen lấn, tụi mình
cũng ra khỏi chợ đêm và vội vàng đón grab ra bến xe, kết thúc hành trình tuy
ngắn ngủi nhưng đong đầy yêu thương. Mình nhất định sẽ quay lại Melaka để khám
phá nhiều hơn về thành phố giàu giá trị văn hóa, lịch sử này.
Nhận xét
Đăng nhận xét