Hồ Lăk - đi tìm khởi nguồn của gió

Hồ Lăk là điểm đến thứ hai của mình ở Đăk Lăk, sau Buôn Ma Thuột. Và cũng như Buôn Ma Thuột, điều mình ấn tượng nhất ở Lăk là gió, nhưng gió Lăk dữ dội hơn gió BMT nhiều, vô hình mà lại như hiện diện khắp nơi, đánh thức mạnh mẽ mọi giác quan khiến mình chẳng thể ngó lơ một phút giây.

Trước khi kể tiếp về gió, về Lăk, mình muốn kể về đường tới Lăk của mình. Mình đã quyết định đến Lăk một cách khá ngẫu hứng. Trên đường đón xe đi Bản Đôn tại thành phố Buôn Ma Thuột, mình tình cờ gặp và trò chuyện chốc lát với một chú, chú ấy khuyên mình nên đi hồ Lăk thay vì Bản Đôn, bởi hồ Lăk đẹp và còn nguyên sơ lắm, vậy là mình đã chẳng chút đắn đo nghe theo chú ấy liền.

Mình cuốc bộ năm cây số đến điểm đón xe bus, lúc đó đã khoảng mười một giờ trưa. Đứng đợi xe khá lâu chưa thấy thì có một chú xe ôm đề nghị chở mình tới Lăk với giá hai trăm ngàn. Mức giá ấy cho quãng đường sáu mươi cây số không đắt, nhưng so với giá xe bus thì thật đáng suy nghĩ. Chú nói từ trạm xe bus ở Lăk vào khu du lịch còn cả chục cây số, rằng xe ôm ở khu du lịch hét giá cao lắm đó. Nhẩm tính một hồi mình đã quyết định đi xe ôm, thiệt hơn ra sao chưa biết nhưng mình nghĩ đi xe máy sẽ tiện ngắm cảnh hơn, và cũng vì đợi xe bus không biết đến bao giờ nữa.

Đường tới Lăk

Xe chạy theo quốc lộ 27, về phía nam của Buôn Ma Thuột, đường trải nhựa đẹp êm ru, mềm mại uốn lượn lên xuống những con dốc cao ngất. Đoạn qua rẫy hồ tiêu, bướm trắng, bướm vàng bay dập dờn, tràn đầy ra đường, lấp lánh trong nắng, mơ mộng thần tiên vô cùng. Lúc ngang qua con đường dẫn vào sân bay Buôn Ma Thuột, chú xe ôm có chỉ cho mình và nói đây là một trong những con đường đẹp nhất Buôn Ma Thuột. Đường thẳng tắp dài hun hút, rợp bóng mát của hai hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi xanh ngắt và đều đặn.

Nửa đầu đoạn đường tới Lăk, cảnh quan chủ yếu là rẫy hồ tiêu, cà phê, rừng thông, đồi núi lúp xúp phía xa, cánh đồng mùa khô, bãi chăn thả dê, bò, và khá nhiều nhà thờ nữa, có cả những nhà thờ bỏ hoang. Khoảng nửa đường thì đến tảng đá voi mẹ - tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam với chiều dài khoảng hai trăm mét, cao khoảng ba mươi mét. Mình có ý muốn dừng lại nhưng chú xe ôm nói chỉ là tảng đá thôi, có chi mà chụp, ừ thì chỉ là tảng đá nhưng tảng đá ấy đẹp quá trời, chú không thấy sao. Cơ mà cuối cùng mình cũng quyết định không leo lên tảng đá voi mẹ thật, bởi lúc đó đang giữa trưa, nắng vỡ đầu kèm gió rất lớn, khá nguy hiểm để một mình leo lên tảng đá ít chỗ bám và trống trải như vậy.

Một chút về chú xe ôm, chú hơn năm mươi tuổi, dáng cao gầy, gương mặt cũng gầy, da ngăm, in hằn rõ nắng gió, chú đeo kính và để ria mép dày nom na ná nhạc sĩ Nguyễn Cường, phiên bản ít ngầu hơn. Mình nghĩ chú là người bản địa nhưng không phải, quê chú ở Thanh Hoá, chú đi bộ đội trong này rồi ở lại luôn. Mình hỏi chú có thích sống ở Buôn Ma Thuột không, chú nói cũng bình thường. Lúc ý mình có chút chưng hửng, và thêm câu chuyện đá voi phía trên, nên mình không hỏi chuyện chú nhiều nữa. Mình không nên kỳ vọng tất cả những người mình gặp đều phải hay ho, đều muốn trò chuyện với mình. Nhưng ngay sau đó mình cũng nhận ra rằng không nên vội vàng đánh giá ai đó, chú ấy có thể không nói nhiều, nhưng chú không dửng dưng, lạnh lùng như mình nghĩ. Đoạn còn cách hồ Lăk khoảng chục cây số nữa, chú dừng lại bên tiệm tạp hoá rồi nói mình vào mua đồ ăn mà ăn trưa kẻo ở khu du lịch đắt đỏ lắm. Lúc mình vào mua đồ còn nghe chú ở ngoài nói chuyện với mấy cô chú khác, rằng mình là phóng viên đi chụp hình, viết bài về hồ Lăk đấy. Rút cuộc thì vì máy ảnh hay vì mình có dáng giống phóng viên thật nhỉ, có phóng viên nào đi chậm và ít nói như mình không.

Lúc trước mình từng có ý định thuê xe máy tự chạy tới hồ Lăk, thật may phước là mình đã không làm thế. Bởi khi bắt đầu tới địa phận huyện Lăk, gió trở mạnh khủng khiếp, chú xe ôm bị lạng tay lái liên tục, nhiều phen xe lảo đảo tưởng sắp bay xuống ruộng. Mình một tay giữ mũ bảo hiểm khỏi xô xệch, một tay bám chắc vào xe để khỏi ngã, đi xe máy để tiện ngắm cảnh nhưng cũng không còn tâm trí đâu mà thảnh thơi ngắm cả.

Biệt điện Bảo Đại

Đến Lăk chú xe ôm chở mình lên Biệt điện Bảo Đại ở trên một đỉnh đồi. Trước đó mình chưa tìm hiểu gì nhiều cả, không biết là ở đây cũng có Biệt điện Bảo Đại nữa, nhiều biệt điện dữ. Biệt điện ở Lăk là một toà nhà ba tầng màu hồng, xung quanh tràn ngập cây xanh, trên đồi mà, hướng nhìn ra hồ Lăk. Vé vào cửa mười ngàn đồng, nội ngoại thất được thiết kế hiện đại, các góc đều có cửa sổ lớn để ngắm cảnh tứ phía, trên tường treo ảnh vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, và người tình của vua nữa ... Sau mình đọc thêm thì biết biệt điện này còn được coi là trại săn bắn của vua Bảo Đại, thảo nào có hẳn một phòng để toàn đồ đi săn, tiêu bản cá sấu các kiểu, ... Ở biệt điện mình cũng chỉ biết ngó nghiêng qua loa vậy thôi chứ không biết khám phá gì hơn.

Buôn Jun và hồ Lăk

Rời biệt điện, chú xe ôm chở mình đến buôn Jun, đây là buôn làng của người MNông nằm dọc bên hồ Lăk. Lúc chú thả mình ở cổng buôn Jun, mình cũng hơi hoang mang, khu du lịch chi mà vắng heo không một bóng người, đang giữa trưa nắng chang chang nữa. Đứng bần thần một lúc mình mới đi thẳng vào trong buôn, trên con đường bê tông chạy giữa hai dãy nhà dài truyền thống của người MNông. Buôn không lớn lắm, mình không giỏi ước lượng, nhưng có lẽ từ đầu đến cuối buôn chỉ khoảng ba trăm mét, thiệt ra mình cũng không biết như vậy là lớn hay nhỏ nữa. Mình cứ đi lững thững giữa buôn như thế, ngắm nghía nhà cửa hai bên, nhưng chỉ ngắm từ xa thôi, không dám xáp vô nhà nào cả. Đến đây mới thấy hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp, mình cứ luôn nghĩ Tây Nguyên chỉ có nhà Rông, nhưng hoá ra nhà Rông của người Bana, còn nhà truyền thống của người MNông là nhà dài. Đúng như tên gọi, những ngôi nhà này đều rất dài, theo truyền thống ngôi nhà sẽ được nối dài thêm mỗi khi con gái trong nhà lập gia đình (người MNông theo chế độ mẫu hệ). Có nhà gỗ, vách tre nứa, cầu thang gỗ, có vài nhà xây kiên cố, nhưng thiết kế vẫn theo dáng nhà dài (không biết những ngôi nhà đó có nới thêm được không), có những nhà gỗ nhưng cầu thang bằng xi măng, có nhà có cổng, có nhà gầm cao chắc phải đến hai mét, lại có nhà gầm thấp chưa đến một mét, nói chung rất đa dạng. Dưới gầm nhà, họ chứa nông cụ, xe công nông, xe máy, xe đạp, thuyền độc mộc, những thân gỗ lớn, ...

Đi tới cuối buôn mới bắt đầu thấy không khí của một khu du lịch, với vài ba nhà hàng ăn, quán bán quà lưu niệm, và đặc biệt là dịch vụ cưỡi voi. Một vòng tham quan trên lưng voi sẽ bắt đầu từ điểm cuối buôn này, sau đó voi lội xuống hồ Lăk, đi dọc hồ theo lối sát bên buôn, tới cổng vào buôn thì lên bờ và đi đường bộ vào tới cuối buôn. Có cả dịch vụ đi thuyền máy hoặc thuyền độc mộc tham quan hồ Lăk, hoặc đi công nông tham quan buôn làng và vùng lân cận. Mình thì không tham gia dịch vụ nào cả, chỉ đi bộ ngó quanh ngó quất thôi.

Buôn Jun nằm dọc bên hồ Lăk, nên trên đường tới cổng buôn, mình đã thấy hồ rồi, nhưng mình không để ý lắm, đúng hơn là mình đã không nghĩ đó là hồ Lăk. Nhưng lúc này, đứng ở cuối buôn, sát bên bờ hồ thì mình đã nhận ra đây thực sự là hồ Lăk. Khi đứng đợi xe bus, mình đã tranh thủ đọc qua về hồ Lăk, và cụm từ in dấu trong đầu mình là "hồ nước trong xanh thơ mộng giữa đại ngàn". Nhưng khung cảnh trước mặt khiến mình liên tưởng đến Đồ Sơn, mà với mình thì Đồ Sơn không thơ mộng trong xanh chút nào. Nước hồ đục, hồ rất rộng và sóng rất lớn, quả thật rất giống biển Đồ Sơn. Chắc cho tiền mình cũng không dám ngồi thuyền độc mộc dạo chơi trên hồ, gió quá mạnh, không phải từng cơn mà thổi tới tấp, ào ạt, khiến khắp mặt hồ cuộn sóng không ngừng, nước đập vào kè đá và mạn thuyền bắn tung toé, những chiếc thuyền độc mộc được buộc dây bên bờ cũng bị sóng đẩy đến xoay xoả ngược xuôi.

Gió to, sóng lớn là thế nhưng những chú voi vẫn phải trầm mình xuống dòng nước sâu, nặng nhọc từng bước đưa bao lượt khách du lịch đi tham quan. Người quản tượng ngồi phía sát đầu voi, ngạo nghễ và thảnh thơi. Khách du lịch ngồi ngất ngưởng trên lưng voi, nhưng có vẻ khổ sở nghiêng ngả vì gió, chứ không điềm nhiên được như người quản tượng. Trên bờ, người lớn lẫn trẻ nhỏ thích thú cho voi ăn mía. Mình lần đầu được nhìn tận mắt chú voi ăn mía cũng thấy rất thú vị. Chúng đón lấy mía bằng vòi, rồi đưa vào miệng, loáng một cái cây mía dài ngoằng biến mất, không biết có nhai không hay nuốt chửng nữa. Mình cố gắng quay video nhưng năm lần bảy lượt không được vì gió quá mạnh nên không giữ chắc được máy ảnh, video nào cũng rung bần bật.

Đứng bên hồ một lát thôi mà mình bắt đầu lạnh cóng người, dù đang giữa trưa nắng, và mình còn mặc áo khoác nhẹ nữa. Thật tình lúc đó mình có chút thất vọng, chẳng lẽ vậy là hết ư, hồ Lăk, buôn Jun, tất cả chỉ có vậy thôi sao. Đói và lạnh, mình ôm theo cái mối chùng lắng ấy mà thất thểu ra về. Đi đến giữa buôn mình chợt để ý thấy một lối nhỏ dẫn ra cánh đồng, mình vốn không lạ gì cảnh đồng ruộng cả, nhưng thôi đã tới đây rồi thì cũng đi xem nốt xem sao.

Mình men theo lối nhỏ giữa hông hai ngôi nhà dài, tiếp đến là hai bụi tre như thay chiếc cổng lớn của buôn, bước qua hai bụi tre ấy, không gian mở ra trước mắt khiến mình ngây ngất, chếnh choáng. Khoảnh khắc ấy mình ngỡ ngàng nhận ra Tây Nguyên không chỉ có thác nước hay rẫy cà phê. Xung quanh mình là đồng lúa, là hồ nước, núi đồi, là nắng, là gió, là bầu trời xanh thăm thẳm, tất cả đều thấm đẫm tinh thần Tây Nguyên đến kỳ lạ, phóng khoáng, mạnh mẽ, mộc mạc, nhưng cũng rất thơ, rất tình.

Mình bước xuống ruộng, đi theo bờ đất nhỏ tiến về phía hồ Lăk. Bờ đất này không dễ đi tẹo nào, có khúc bùn lầy không bước được phải nhảy qua, nhưng không phải lúc nào cũng nhảy được bởi hoặc đoạn lầy đó quá dài so với đôi chân ngắn của mình, hoặc điểm tiếp đất quá nhỏ rất dễ trượt chân, mình còn đang đeo balo nặng hơn sáu kí lô, và một chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực. Kết cục không tránh được là mình đã trượt chân vài lần xuống ruộng, và tiếp đất bằng mông một lần, những lúc ấy không kịp nghĩ được gì nhiều, mình chỉ ráng ôm ấp cái máy ảnh cho thật kĩ, em ấy là bạn đường yêu dấu của mình.

Tuy vậy, bùn lầy không phải khó khăn duy nhất, còn một thứ gây khó gấp bội nữa là gió, lại là gió đó. Đứng giữa khoảng không rộng lớn, mình mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sức mạnh khủng khiếp của gió. Dồn dập, tới tấp táp vô dáng hình bé nhỏ này, mình choáng váng, run rẩy và lảo đảo, hồn vía lúc ấy có lẽ cũng theo cơn gió lớn bay đi xa tít rồi. Sau một lúc bị xoay vần đảo điên, mình dần biết cách giữ thăng bằng hơn, và bắt đầu nhận ra điều tuyệt diệu sát gần bên nãy giờ mà không hay. Mình đang đứng giữa cánh đồng, từ phía chân trời, lớp lớp sóng lúa đẹp mê hồn đang lướt về phía mình, ôm chầm lấy mình rồi lập tức lướt đi, tan biến vào chân trời. Mình đã đứng đó rất lâu, hết nhìn trước rồi ngoái sau, há hốc miệng, mê mẩn, rụng rời trước những ảo diệu đang ôm ấp tứ phía, đẹp siêu thực như một giấc mơ. Mình bỗng thấy yêu Lăk thật nhiều, yêu gió Lăk, yêu những ngọt ngào bất ngờ gió đã tặng mình. Chợt nhớ đến những vần thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

...

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?"

Phải rồi, gió Lăk bắt đầu từ đâu nhỉ? Mình không biết gió bắt đầu từ đâu, nhưng mình dường như đã hiểu tại sao khi đối diện với mây, trời, sóng, gió, trước những bao la của tạo hoá, người ta lại nhìn sâu hơn, tỏ hơn chính tâm hồn mình.

Mình tiếp tục tiến đến hồ Lăk, đoạn này không có kè đá, ruộng lúa được ngăn với hồ bởi những bờ đất, nhưng mình không đến sát hồ được bởi càng lại gần, càng nhiều bùn lầy, mình đã thử vài đường khác nhau nhưng đều lầy cả. Đành bỏ cuộc và quay lại, lúc này mình đã biết nhìn sóng lúa để đoán gió, mỗi khi biết gió lớn sắp tới, mình sẽ ngồi sụp xuống tránh. Chẳng hiểu sao mỗi lần ngồi tránh gió, mình lại may mắn ngồi trúng mấy chỗ hay ho, khi thì khóm lục bình tím biếc, khi lại là dòng nước nhỏ róc rách lấp lánh vân nắng, rồi cả mấy cụm trứng ếch hồng bám dọc thân lúa, ... Cứ đứng lên ngồi xuống liên tục, rồi thơ thơ thẩn thẩn ngắm nghía đủ thứ, mãi mình mới quay trở lại con đường đê trải bê tông được.

Vừa trồi lên mặt đường, thấy ở cánh đồng phía bên kia mọi người đang làm việc vui quá, mình lại tặc lưỡi xuống ruộng lần nữa vậy. Mình lại gần một cô đang làm một mình, nếu không nhầm thì cô đang nhổ mạ, mình không chắc nữa, thấy cô nhổ những cây lúa non và bó lại, gom để sát bờ đất. Mình hỏi chuyện cô nhưng cô không hiểu tiếng Kinh, dù vậy cô vẫn cười với mình và ra hiệu đứng né chỗ gom bó mạ ra, vì cô sẽ đứng từ xa mà phi tiêu bó mạ, đứng gần sợ nước bắn vô người. Lần này tới Lăk mình mới biết ở Tây Nguyên cũng có cánh đồng thẳng cánh cò bay, thật sự là có cò ấy, nhiều luôn, không phải mình nói chữ đâu. Mình tưởng đâu Tây Nguyên chỉ có nương rẫy, rồi đàn ông đi trước cắm cọc, phụ nữ theo sau tra thóc. Thiệt ra lúc ở bảo tàng Đăk Lăk, mình có đọc được thông tin người MNông ở Lăk canh tác lúa nước, nhưng lúc ý tiếp nhận một lúc nhiều thông tin quá nên nhất thời quên, giờ được đến đây mục sở thị rồi sẽ nhớ mãi. Ngồi xem mọi người nhổ mạ chán chê, ngó thấy đã ba giờ chiều, mình phải ra bắt xe bus về lại Buôn Ma Thuột để kịp đón xe đi Bản Đôn ngay hôm nay. Kể mà có nhiều thời gian hơn, mình sẽ đi hết con đường bê tông này, hình như phía bên kia là một buôn làng khác, mình thấy mấy chiếc công nông chở khách du lịch đi về phía đó lâu lâu mới quay lại. Đi đâu mình cũng để dành không đi hết như này, không biết chừng nào mới quay lại mà đi nốt nữa.

Mình trở lại theo lối cũ, đoạn qua bụi tre bỗng ở đâu ra nhiều chó thế, có chó dữ luôn, mình vốn sợ chó, và từng bị chó cắn, chỉ biết đứng bất động, may có người dân gần đó chạy ra xua giúp. Lỡ đen mà bị chó cắn, chuyến đi này sẽ tạm dừng hơi bị lãng xẹt.

Mình đi ra cổng buôn thì gặp hai chú voi đang chở khách du lịch tiến vào. Một bạn voi dừng lại bên bụi tre gần cổng để ăn cành lá tre. Sao voi cứ ăn mấy thứ như thế mà lại to lớn dữ vậy nhỉ, còn mình thì ăn bao sơn hào hải vị đi nữa cũng vẫn gầy đét. Định bụng đứng xem voi một lúc rồi ra trạm xe bus, ai dè vừa bước qua cổng lại thấy hồ Lăk, mình đã thấy hồ suốt mấy tiếng vừa rồi mà giờ vẫn không kìm lòng được lại chạy đến hồ tiếp. Mình bước xuống triền cỏ bên hồ, ngồi lên một mỏm đá nhỏ, ngắm những chiếc thuyền độc mộc đang bị sóng và gió đẩy đưa ngược xuôi. Đây là lần đầu mình nhìn gần những chiếc thuyền độc mộc, tài hoa của con người thật đáng ngưỡng mộ, làm sao mà đẽo đục một thân gỗ lớn thành chiếc thuyền như vậy chứ, phải đẽo sao cho đều để thuyền giữ được thăng bằng, rồi độ dày mỏng thành thuyền, đáy thuyền thế nào để thuyền vừa nổi tốt lại vừa đủ sức chống chọi với sóng lớn hay vật cản ngầm ... Mình tưởng bản thân được đi học là đã biết cái nọ cái kia nhiều lắm, mà càng đi đây đó càng nhận ra mình chẳng biết gì cả.

Mình ngồi ở triền cỏ đó được một lúc thì có một đàn bò đi ngang, hướng về phía con đường nhỏ ven hồ, bên hông của buôn Jun. Lại không kìm được, mình đi theo đàn bò, tự nhủ cứ cà kê như này rồi lỡ xe cho coi. Đến con đường nhỏ ấy, sự chú ý của mình đã chuyển từ đàn bò sang một người đàn ông. Chú ấy là người chăn bò, chăn một đàn bò khác cũng ăn cỏ khu đó. Chú ngồi bó gối, dáng người nhỏ lại càng nhỏ, chú đeo một chiếc túi đeo chéo được chế lại từ bao tải dứa. Chú cứ ngồi đó, bất động lâu thật lâu, không biết chỉ đang trông chừng đàn bò hay còn suy tư điều gì. Mình cũng ngồi xuống kè đá, cách chú khoảng hai mét. Chuyện tiếp theo cũng không có gì, mình cứ ngồi nhìn chú từ phía sau vậy thôi, không trò chuyện chi cả. Chỉ là giữa bao la đất trời, trước sóng, trước gió, dáng vẻ nhỏ bé ấy lại đem đến cảm giác vô cùng bình yên, tự tại. Ngồi bên bờ hồ, mình chợt nhận ra mình đã yêu mến Lăk tự lúc nào, yêu cái hồ nước đục màu này, yêu cái nhịp nhàng hoà quyện của gió, của nước, của cây cối vạn vật, yêu những con người mộc mạc, thân thiện, yêu tất cả.

Dù rất muốn nán lại lâu lâu nữa, nhưng mình phải đi thôi, mình cần đến Bản Đôn trong hôm nay, để sáng mai đi VQG Yok Don sớm. Đi được vài chục mét khỏi cổng buôn, mình lại gặp voi, lại dừng lại chút xíu. Lúc này có một anh và hai chú đứng đó gọi mình lại hỏi chuyện. Ba người ấy đi xe máy vào đây chơi, mình cũng quên chẳng hỏi mọi người đi từ đâu. Anh bạn đó khen mình đeo balo giỏi ghê, hỏi đã ghé tảng đá voi mẹ chơi chưa, giờ về bằng gì ... Thực tình là do dáng người mình quá bé nhỏ nên cái balo nhìn có vẻ to hơn, chứ sáu kí đâu phải ghê gớm gì. Khi mình nói giờ sẽ đi bộ ra trạm xe bus, bạn ấy đã nhờ một chú chở mình một đoạn tiện đường, vì bạn ấy mắc chở chú khác. Chú ấy chở mình đến một ngã ba thì thả xuống, chỉ cho mình đi thẳng qua lối chợ phía trước rồi rẽ trái chút xíu là tới trạm xe bus. Mình đi theo hướng chú chỉ, trên lối đi người dân bày bán đồ hai bên vỉa hè, chủ yếu là rau củ, thịt cá, cá có lẽ được đánh bắt từ hồ Lăk lên chăng, đến đoạn giữa con đường thì thấy cổng chợ, mà mình không thể tạt té vào chợ nữa, muộn quá rồi. Hết ngõ chợ, mình băng qua một khuôn viên nhỏ và rẽ trái, leo lên đỉnh dốc là thấy trạm xe bus. Mình đứng đợi xe và tranh thủ ngắm Lăk. Lăk rất đẹp, với bầu trời cao vút xanh thẳm, đường phố gọn gàng sạch sẽ, nhiều cây xanh điểm hoa rực rỡ, có lẽ vì gần sông, gần hồ mà cây cối nơi đây xanh tốt, cũng nhờ vậy mà tiết trời vô cùng mát mẻ dễ chịu.

Về lại Buôn Ma Thuột

Mình không đợi được xe bus, mà lên một chiếc xe du lịch mười sáu chỗ, giá chỉ ba mươi ngàn, chắc không mắc hơn vé xe bus là bao. Xe đã kín ghế nhưng mình vẫn may mắn được ngồi ghế đầu, ghế cạnh tài xế. Cửa sổ xe mở khiến tóc tai mình rối bù, nhưng không hề gì, mình yêu gió của vùng đất này. Lúc trước mình nhớ rằng chú xe ôm chỉ đường thẳng một lèo là đến Lăk, nhưng đường về Buôn Ma Thuột lúc này có đoạn hơi khác, qua khu đông đúc dân cư hơn, không biết có phải cùng một đường không nữa. Mình thấy có nhiều xe công nông chở nông sản cao ngất, vài ba người HMông ngồi trên nóc ngất ngưởng chẳng thấy bám víu gì. Gặp những người HMông ở Tây Nguyên mình thấy có chút lạ lẫm, trước giờ mình chỉ quen với hình ảnh họ ở vùng núi cao phía Bắc. Nhưng nghĩ lại thì đó cũng là điều dễ hiểu, người HMông có lối sống du canh du cư, họ có thể đi bất cứ đâu. Xe thả mình ở bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, mình chạy vào bến và vừa kịp lên chuyến xe bus cuối cùng đi Bản Đôn, lúc đó xe đang lăn bánh ra cổng rồi.  Thực tế là quãng đường từ trạm xe bus Lăk vào buôn Jun chỉ khoảng hai cây số thôi, không phải chục cây như chú xe ôm nói. Nhưng nếu không đi xe ôm, không được đi nhờ xe một đoạn lúc về, hay mình nán lại đâu đó lâu hơn chút nữa thôi, mình đã lỡ chuyến xe đi Bản Đôn này rồi. Thật may mắn, mình rất hay gặp được những chuyện vừa kịp, vừa đủ như thế.

Wow nhìn lại thấy mình đã viết hơi dài cho một chuyến đi chỉ vài giờ đồng hồ thì phải. Mình phải viết kết bài thôi. Dù trải nghiệm của mình ở Lăk có phần nghèo nàn, ngắn ngủi, nhưng đó là nơi mình dành nhiều tình cảm yêu mến. Mình tin rằng bất cứ ai yêu mến Tây Nguyên, chắc chắn sẽ yêu Lăk. Hãy đến Lăk nếu bạn muốn đến gần hơn với con người, văn hoá và thiên nhiên Tây Nguyên, biết đâu ở nơi ấy bạn còn tìm được chính bản thân mình đó.


Nhận xét