Buôn Ma Thuột là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi Tây Nguyên của mình. Lúc đầu mình định sẽ đến Gia Lai đầu tiên, nhưng do quỹ thời gian bị giảm còn một nửa, tức là còn chục ngày, nên mình quyết định chỉ đi hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Đành hẹn Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng cho dịp sau.
Rời Phú Yên, mình đi chuyến xe khách lúc một giờ chiều lên Buôn Ma
Thuột. Xe có vỏ ngoài mới nhưng bên trong khá cũ và ọp ẹp, lớp da bọc ghế đã
bong sờn nhiều và điều hoà thì không mát cho mấy. Nhưng đây là nhà xe duy nhất
chạy tuyến Phú Yên - Buôn Ma Thuột (BMT) nên mình không còn lựa chọn nào khác.
Hết địa phận thành phố, xe chạy băng băng trên con đường tỉnh lộ thẳng tắp
xuyên giữa hai bên là cánh đồng xanh ngắt mới gieo mạ. Đối với một đứa miền núi
như mình, cảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay như này vốn chỉ được thấy qua tivi,
không mấy khi có dịp thấy tận mắt nên cứ dán mắt qua cửa kính xe nhìn ngắm trầm
trồ mãi. Nhưng Phú Yên không chỉ có biển với đồng bằng, Phú Yên còn có rừng núi
nữa. Lúc chạy lên mấy con dốc lượn quanh núi, mình bao phen hú hồn với cái xe
này. Chiếc xe cũ kĩ long lên sòng sọc, đường đèo núi mà xe chạy trối chết luôn,
hành khách nghiêng ngả hết cả, mình bám chặt vào tay vịn phía trước nhưng mông
vẫn liên tục trượt khỏi ghế. Đường thì đâu phải đoạn nào cũng trải nhựa thẳng
tắp, có nhiều đoạn đất đá lổn nhổn, đầy những ổ voi ổ gà sâu hoắm, cha mẹ ơi xe
nghiêng như sắp đổ đến nơi. Hình như tầm này là mùa thu hoạch mía, mình thấy
trên rẫy hai bên đường đầy xác mía khô, thi thoảng lại có một xe tải cỡ lớn chở
mía đi ngược chiều, lúc hai cái xe to đùng rẹt qua nhau sát sít đến độ tưởng
đâu toé điện được luôn. Mình là đứa thích cảm giác mạnh mà cũng phải hốt hền
thật sự với chuyến xe này.
Được nửa đường, xe dừng nghỉ cho hành khách lấy lại hồn vía và
giải quyết nỗi buồn. Điểm được chọn là khu bảo tồn Ea Sô, nơi có nhiều cây cối
tiện bề cho mọi người chọn vị trí hành sự thật kín đáo riêng tư. Nghỉ ngơi
xong, xe tiếp lục lăn bánh đến BMT, cảnh quan đặc trưng của Tây Nguyên dần hiện
ra, thác nước cuồn cuộn âm vang đại ngàn, rẫy cà phê hoa nở trắng xoá như tuyết
mùa hè, đồi hồ tiêu xếp hàng từng dãy thẳng tắp trải dài xa tít, nhà dài truyền
thống của người đồng bào với giàn bông giấy tím rực trước hiên, ... Tây Nguyên
mà mình háo hức đợi mong đây rồi, năm giờ đồng hồ ê mông và đau tim trên xe để
thấy cảnh này cũng đáng lắm.
Mọi người chủ yếu xuống xe dọc đường, nên đến điểm cuối bến xe
phía Bắc BMT chỉ còn dăm ba hành khách. Từ bến xe về hostel khoảng 5-6km, mình
vốn định đi bộ nhưng ra khỏi xe thấy nắng quá mà giá xe ôm cũng phải chăng nên
đi xe luôn. Đi được một đoạn ngắn thấy bên đường có cây gạo nở hoa đỏ rực, mình
thích hoa gạo lắm nên cứ ngoái đầu ngắm mãi, còn cố nhìn được là cây ở gần
Trung tâm văn hoá lao động để sau quay lại ngắm thêm nữa.
Hostel mình đặt nằm ngay mặt đường, đối diện chợ trung tâm thành
phố, nhộn nhịp nhưng không hề ồn ào. Mình đặt giường dorm, phòng có bốn giường
mà bữa đó có mỗi mình, coi như bao cả phòng luôn. Giường rộng rãi, có đèn đọc
sách, kệ đựng đồ, rèm che. Hostel này có lẽ vốn được thiết kế như nhà ở thông
thường, nên toilet và ban công y như nhà ở, cũng vì thế mà mình thấy tiện nghi,
thoải mái như ở nhà.
Theo lời gợi ý của bạn nhân viên hostel, mình đi ăn nem nướng cách
đó khoảng bốn trăm mét. Con đường ngắn xíu mà cũng thơ thẩn ngó nghiêng mãi mới
đi tới nơi bởi BMT đẹp quá. Thành phố BMT phát triển hơn mình vẫn nghĩ nhiều,
đường phố thoáng đãng, nhà cửa khang trang, rất nhiều cây xanh, đặc biệt là có
nhiều cây bàng đài loan yêu dấu của mình, ôi chao sao mình thích cây ý thế, cứ
ngẩn ngơ ngắm nhìn tán lá mãi không biết chán. Nhưng điều khiến mình ấn tượng
nhất về BMT là gió, gió lồng lộng cả ngày lẫn đêm, dường như không ngưng nghỉ
phút giây nào. Gió khiến cây lá reo vang xào xạc, khiến đôi tình nhân trên phố
nép vào nhau gần hơn, còn mình đã không có mỡ dự trữ phát nhiệt còn phải cô đơn
bước liêu xiêu ngược chiều gió.
Đến quán ăn mới biết à thì ra nem nướng giống nem lụi. Mình vốn
thích món này lắm, nhưng bữa nay ăn một mình lại ngắc ngứ mãi không xong. Cả
quán chỉ có mình ngồi ăn một mình, nhìn các bàn bên vui vẻ trò chuyện ăn uống,
mình có thoáng buồn. Đây là lần đầu mình đi du lịch một mình, một chuyến đi dài
ngày với đầy kì vọng, mới chỉ là khởi đầu thôi, nhưng những lúc như này mình có
chút băn khoăn về quyết định của bản thân, rằng mình có đủ mạnh mẽ để bước một
mình, có đủ hay ho để viết nên câu chuyện cuộc đời thật rực rỡ, và liệu trong
số những người mình gặp sẽ có bao nhiêu người nhớ về mình thật lâu. Mình lúc
nào cũng có cả tỉ nỗi sợ hãi trong đầu, nhưng bù lại tính mình khá lì, mình
không thích cái ý nghĩ bản thân là một kẻ bỏ cuộc hèn nhát. Cứ thế, mình dò dẫm
bước đi, chậm chạp và lầm lũi, nhưng nhẹ nhõm, bình yên.
Câu chuyện dông dài, xa xôi quá rồi nhỉ, quay lại nhé. Sau bữa ăn
mình trở về hostel, mở cửa ban công, tận hưởng cơn gió tràn vô mọi ngóc ngách
trong phòng. Cũng như nắng, như mưa, gió mỗi nơi lại một khác. Gió ở BMT mạnh
mẽ, phóng khoáng như chính con người nơi đây, như mang trong mình hơi thở của
đất trời Tây Nguyên. Gió to hẳn sẽ cuốn theo nhiều bụi bặm, nhưng BMT sạch và
trong lành lắm, nên mình cứ mặc sức hít hà cho thật căng lồng ngực, bất giác
mỉm cười thấy mọi thứ nhẹ nhàng làm sao.
Bên kia đường có một quán cà phê mở trên vỉa hè, đang bật
bài Hơn cả yêu của Đức Phúc. Gần đây mình được nghe bài này
nhiều, khắp quán xá Hà Nội, rồi đến cả hostel ở Phú Yên. Bài hát này mới phát
hành nên cũng không có gì lạ, chỉ là giai điệu quen thuộc khiến mình cảm thấy
như thể vẫn loanh quanh gần nhà chứ chưa đi xa tới vậy.
Tối đó mình hóng gió và nghe nhạc chùa đến nửa đêm mới ngủ.
Sáng hôm sau ngủ dậy mình mới mò mẫm điện thoại xem nay sẽ đi đâu,
không có quá nhiều điểm đến, và khoảng cách các điểm chỉ khoảng hai đến ba cây
số nên mình quyết định đi bộ. Hostel này ở ngay trung tâm thành phố, cách nhà
thờ chính toà chỉ chừng hai trăm mét, ngay gần đó là tượng đài chiến thắng BMT
và phố cà phê sách luôn. Trong hai ngày ở BMT, mình lượn lờ qua mấy chỗ đó
không biết bao lượt, mình đi dọc qua phố sách một lần và chưa hề ghé nhà thờ
luôn.
Ban ngày trời nắng lắm, nhưng vì BMT nhiều cây xanh, lại toàn cây
cổ thụ, nên việc đi bộ cũng không nhọc nhằn gì. Đầu tiên mình tới Nhà văn hoá
trung tâm tỉnh Đăk Lăk để ngắm cây Kơ nia cổ thụ nổi tiếng trong thơ ca. Đến
nơi thấy cơ man bao nhiêu là cây cổ thụ, dù đã xem hình ảnh trên mạng trước
nhưng mình vẫn không nhận ra nổi đâu là cây Kơ nia. Đang tính chạy sang đường
hỏi mọi người thì bỗng có một người phụ nữ dáng vẻ không bình thường (theo cách
nói thông thường thì có lẽ là bị điên), bà ấy cứ nhìn mình chằm chằm và bắt đầu
tiến lại gần. Hốt quá mình quay bước đi thẳng một mạch không dám ngoái đầu lại,
đi một đoạn xa mới nhận ra đã đi sai đường, không muốn quay lại nên mình vẫn đi
tiếp đường đó, thực ra cũng không sai, chỉ là đường vòng xa hơn thôi.
Đường này qua một khu chợ tạm, chợ khá lớn nhưng biển tên lại ghi
Chợ tạm BMT. Mình không vào trong chợ, bên ngoài bán nhiều đồ chống nắng như
quần áo, mũ nón, găng tay. Mình muốn mua một chiếc khăn rằn, bước thật chậm để
nghĩ ngợi đắn đo mà cuối cùng không mua, chắc tầm ba chục ngàn thôi nhưng mình
vẫn tiếc tiền, đang thất nghiệp mà.
Qua chợ mình chợt nhìn thấy
một tán cây phía xa, cây trụi lá rồi nhưng cái tán nhìn đẹp mê, dáng khoẻ khoắn
vươn thành hình quạt đều tắp. Mình lúc nào cũng mê mẩn mấy cái cây cao lớn vững
chãi, thân cành cân xứng, vươn xa thật xa. Mình cứ đi theo hướng cái cây đó,
nhìn tưởng gần mà xa phết mới tới nơi. Cây nằm sát bên tường rào khuôn viên Đài
tưởng niệm Bác Hồ trên một đồi nhỏ (mình cũng không chắc đó là cái đồi không nữa).
Đi qua triền hoa trắng sẽ thấy bậc thang dẫn lên đồi, chỉ vài bậc thôi, nên
mình mới không biết đó là đồi hay gò đất hay gì. Trên đỉnh đồi/gò là Tượng đài
Bác Hồ và các em thiếu nhi, gần đó có một cây đa cổ thụ, cây lớn lại ở trên cao
nên gió khủng khiếp luôn. Cũng như con người, cây cối đâu có lựa chọn được nơi
mình sinh ra nhỉ. Là cái cây ở miền nắng gió thì phải oằn mình cố vươn lên,
nhưng cũng vì thế mà khoẻ khoắn, rắn rỏi, thân rễ vững chãi rồi, cành lá có thể
thoả sức đu đưa đùa giỡn cùng cơn gió, tiếng lá reo vang không ngừng như thay lời
khẳng định cho sự tồn tại của mình. Chẹp mình đang viết cái gì không biết.
Ngồi hóng gió chán chê dưới
bóng cây đa cổ thụ, mình thấy một cô đang tưới cây, bèn chạy ra hỏi xem Bảo
tàng Đăk Lăk ở đâu. Cô chỉ về phía bên kia đường "ngay bên kia thôi con, chỗ nhiều cây ấy". Mình đi theo hướng cô chỉ và nghĩ bụng BMT
có chỗ nào mà không nhiều cây chứ. Nhưng mà đúng là nhiều cây hơn thật, Bảo
tàng Đăk Lăk nằm trong khuôn viên xanh mát rộng sáu héc ta với hơn sáu trăm cây
lâu năm, đa dạng về chủng loại, đích thị là một khu rừng nguyên sinh giữa lòng
thành phố. Lạc bước vào khu rừng này, hẳn sẽ chẳng ai muốn rời đi, mình không hề
nói quá đâu. Chầm chậm bước đi giữa rừng cây, mình hết nhìn hoa nắng nhảy nhót
dưới chân, rồi lại ngước lên nhìn tán cây cao vút in trên nền trời xanh ngắt
trong veo. Nhiều cây lắm, mà mình thích nhất là Bằng lăng ổi, mình đã đứng ngắm
cái thân cây ấy không biết bao lâu, ui chao sao cái vỏ cây thôi mà đẹp đến thế,
trông như được chạm khắc chứ không phải tự nhiên nữa. Mỗi cây đều có biển tên bằng
gỗ ghi rõ tên loài, nguồn gốc, khu vực phân bố, và được cố định bởi một vòng lò
xo quấn quanh thân để bảo vệ sự phát triển của cây.
Thơ
thẩn chụp choẹt một hồi, mình cũng đến được Biệt điện Bảo Đại, cùng ở trong
khuôn viên này, nhưng tiếc thay khi ấy đã đóng cửa nghỉ trưa. Mình bèn đi sang
phía Bảo tàng, may quá Bảo tàng mở cửa thông trưa. Bước vào trong, một anh cán
bộ vui vẻ ra ghi vé, vé có ba chục ngàn thôi, anh nhiệt tình hỏi em đi nghiên
cứu hay đi chơi, đi chơi một mình mà vẫn ghé Bảo tàng luôn hả, ... Thiệt ra đi
một mình mới dễ ghé Bảo tàng mà, chứ đi nhóm các bạn lại ít khi hứng thú với
nơi này.
Bảo
tàng Đăk Lăk được thiết kế mô phỏng kiến trúc nhà dài của đồng bào Êđê; gồm có
hai tầng, tầng một là sảnh tiếp tân, một phòng chiếu bóng và sa bàn quân sự,
khu vực bán đồ lưu niệm; tầng hai là khu trưng bày với ba nội dung: văn hoá dân
tộc, lịch sử và đa dạng sinh học. Bảo tàng sử dụng bốn ngôn ngữ trong trưng
bày, bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Êđê.
Mình
tham quan khu Văn hoá dân tộc trước tiên và dành nhiều thời gian ở khu đó nhất.
Theo thông tin tại bảo tàng, có ba dân tộc bản địa sinh sống tại Đăk Lăk là
Êđê, Mnông và Giarai. Các dân tộc bản địa hiện nay vẫn bảo lưu những truyền
thống văn hoá đặc sắc thể hiện trong nông nghiệp nương rẫy, âm nhạc cồng
chiêng, sử thi, kiến trúc, điêu khắc gỗ, hiến sinh trâu, ... Ngoài ra, mỗi tộc
người lại có một số sắc thái riêng, người Mnông Rlăm và Êđê Bih làm ruộng nước,
người Mnông ở Buôn Đôn nổi tiếng với việc săn và thuần dưỡng voi, người Giarai
vùng Ea Hleo làm những ngôi nhà mồ hình tháp độc đáo. Chế độ mẫu hệ được bảo
lưu ở cả ba dân tộc, luật tục và các quan hệ cộng đồng đến nay vẫn quan trọng.
Từ những năm 1950, đặc biệt sau 1975, rất đông người từ nhiều nơi
đến cộng cư: người Kinh từ nhiều vùng, người Nùng, Tày, HMong, Dao, Mường, ...
từ miền Bắc. Hiện nay, Đăk Lăk có cư dân của hơn bốn mươi dân tộc.
Khu vực văn hoá dân tộc trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống
sinh hoạt của con người Tây Nguyên, tiêu biểu là các dân tộc bản địa, như dụng
cụ lao động, săn bắn, chum ché, thuyền độc mộc, tượng nhà mồ, mô hình nhà dài,
trang phục truyền thống, khung cửi dệt vải, bộ nhạc cụ, ... kèm thuyết minh chi
tiết. Việc tham quan bảo tàng giúp mình có được những hiểu biết sơ lược cần
thiết về văn hoá và đời sống của các nhóm dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Đăk
Lăk nói riêng. Điều này thực sự hữu ích, bởi sau đó khi đến hai khu du lịch hồ
Lăk và Buôn Đôn, mình đã không có nhiều cơ hội giao lưu với người dân bản địa để
tìm hiểu văn hoá như mong đợi.
Rời khu vực Văn hoá dân tộc, mình tiếp tục tham quan khu Đa dạng
sinh học. Khu vực này trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ
nhưỡng của Đăk Lăk như các mẫu đất đá, khoáng sản, các loài cây thuốc dân gian,
cây công nghiệp chủ đạo, động vật hoang dã (đầu bò rừng, trâu rừng, lợn rừng,
gấu, ... nhìn dữ tợn hết hồn luôn á).
Khu vực cuối cùng là không gian lịch sử, trưng bày các hiện vật,
hình ảnh từ thời kỳ tiền sử, đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngoài sảnh tầng hai, có một chiếc bàn nhỏ đặt cuốn sổ lưu niệm, mình cũng lại đó ghi vài dòng cảm nhận, như lời tri ân đến các cán bộ bảo tàng đã và đang góp phần gìn giữ văn hoá, truyền thống.
Sau khi tham quan bảo tàng,
mình qua bên Biệt điện Bảo Đại, lúc này đã mở cửa. Ngôi nhà được thiết kế theo
phong cách Tây Nguyên kết hợp hiện đại, với mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng
hầm bê tông, xung quanh tràn ngập cây xanh. Vì thiết kế theo phong cách nhà dài
nên đứng bên ngoài vẫn có thể quan sát được kha khá bên trong, mình đã quyết định
đứng ngoài xem được bao nhiêu thì xem chứ không mua vé vào trong nữa. Kẹt xỉ
quá mức nhỉ!
Trên lối vào dinh thự, khu vực gần cổng ra vào phía mặt đường
Nguyễn Du, trước đây có hai cây long não cổ thụ đối xứng nhau, với tuổi đời hơn
một trăm năm, chu vi gốc lên tới tám mét, cao ba mươi mét, được công nhận là
cây di sản Việt Nam. Năm 2016 một cây có dấu hiệu bị bệnh, dù được các chuyên
gia hết sức chữa trị nhưng không cứu được, hiện phần gốc và rễ cây được trưng
bày trong khuôn viên khu di tích, phía bên ngoài bảo tàng. Khu vực trồng cây
trước đây được xử lý đất và trồng thay thế bằng một cây long não trẻ.
Hiện nay còn một cây long não cổ thụ vẫn vững chãi toả bóng xanh
mát, như một chứng nhân lịch sử của mảnh đất Buôn Ma Thuột. Thực sự, khi mới
đứng từ xa thoáng nhìn thấy cây, mình đã sững người lại, tự hỏi đây có phải cây
long não không. Mình đã nói nhiều về việc mình thích những loài cây cao lớn
vững chãi, và loài cây mình thích nhất trên đời chính là long não. Trước cổng
trường tiểu học của mình có mấy cây long não, cây xanh quanh năm, ngàn vạn
chiếc lá nhỏ li ti nhẵn bóng lấp lánh dưới ánh nắng kỳ diệu lắm, mình thích cái
màu thẫm rất riêng của thân cây cả khi khô ráo hay lúc ướt mưa, thích những vết
nứt chạy dọc trên vỏ cây nữa. Thật khó tả cho cái sở thích này, chỉ biết mỗi
khi nhìn thấy cây long não ở đâu, mình sẽ ngẩn ra mà ngắm nghĩa mãi không thôi.
Nhưng mình chưa thấy cây long não nào to lớn như ở Buôn Ma Thuột cả, nên bần
thần một lúc mình mới chạy lại gần xác nhận. Phải rồi, lá cây, thân cây, vỏ cây
này là long não mà, còn có một cái bảng bự chảng ngay đó ghi tên và lịch sử của
cây nữa. Khi bạn cực kì yêu thích thứ gì đó, rồi một ngày bất ngờ gặp được
phiên bản đẹp ná thở của thứ đó, chắc tim cũng run lên, miệng há vô thức, chân
tay rụng rời như mình lúc đó. Gặp được cây long não cổ thụ đẹp tuyệt ấy ở Buôn
Ma Thuột, mình thấy ưng cái bụng lắm, những loài cây đẹp đẽ như long não nên
được sống với cái nắng, cái gió mạnh mẽ, phóng khoáng của Buôn Ma Thuột. Không
biết có ai đọc đến đây mà thấy mình thật hâm dở, kỳ lạ không. Một phần mình ít
nói vì những chủ đề mình yêu thích, quan tâm toàn những điều như vậy đó, không
dễ để gặp được người đồng điệu.
Đăk Lăk được mệnh danh là Thủ
phủ cà phê của Việt Nam, vì thế không có gì lạ khi có hẳn một bảo tàng về cà
phê tại đây. Bảo tàng thế giới cà phê có thiết kế mô phỏng nhà rông Tây Nguyên
với mái vòm dài rộng, uốn lượn mềm mại, kết hợp cùng phong cách phương Tây, cả
quần thể tạo cảm giác như một ngôi làng châu Âu yên bình, thơ mộng. Bên trong
toà nhà có khu vực trưng bày với vé tham quan bảy mươi lăm ngàn và khu vực quán
cà phê.
Bảo tàng trưng bày khoảng 10.000 hiện vật về cà phê được chủ tịch
Đặng Lê Nguyên Vũ dành nhiều năm dày công thuyết phục bảo tàng Jens Burg (Đức)
bàn giao. Các hiện vật được bài trí nghệ thuật và trang trọng, nhưng quả thật
mình không có cảm xúc gì nhiều với bảo tàng này. Đối với mình, bảo tàng không
chỉ là căn nhà chứa đồ cổ, đó là nơi lưu giữ những câu chuyện, là dòng chảy
thời gian xuyên suốt, nhưng mình đã không cảm được câu chuyện nào ở đây cả. Mọi
thứ dường như rời rạc và thiếu liên kết.
Khắp nơi trong toà nhà là những khẩu hiệu về tinh thần dân tộc, về
khát vọng tuổi trẻ, trên trần nhà có một tấm lưới lớn chứa hàng trăm cuốn sách
trong bộ sách đổi đời của Trung Nguyên Legend. Dĩ nhiên những thông điệp đó là
tốt, nhưng cá nhân mình cho rằng chưa đủ để tạo ra những thôi thúc, những đổi
thay.
Bảo tàng không phải một nơi nhàm chán, cũ kĩ, đó là một nơi tưởng
như bất động mà lại sống động không ngờ. Bảo tàng dù kín bưng nhưng lại khiến
tâm trí rộng mở, dù tĩnh lặng nhưng hoàn toàn có thể tạo ra những chấn động lớn
lao trong ta.
Rời Bảo tàng thế giới cà phê, mình phân vân mãi về việc có đến
chùa Sắc Tứ Khải Đoan không, bởi lúc đó đã năm giờ chiều rồi, và mình sẽ phải
đi bộ khoảng hơn hai cây số đến chùa, e rằng trời sẽ tối mất. Rồi thì mình vẫn
quyết định tới chùa, và đó là quyết định vô cùng sáng suốt, dù tới nơi thì cũng
hơi nhá nhem tối thật.
Ngôi chùa này được xây dựng năm 1951 và là ngôi chùa được phong
Sắc Tứ cuối cùng của triều Nguyễn (Sắc Tứ hiểu nôm na là được vua chúa sắc
phong). Tên chùa Khải Đoan được ghép từ hai chữ đầu của tên vua Khải Định và
Đoan Huy Hoàng Thái Hậu để ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan toạ lạc ngay trung tâm thành phố BMT, được
bao quanh bởi phố xá nhộn nhịp, nhưng khi vừa bước vào khuôn viên chùa mình như
lạc vào một thế giới khác hẳn, cảm giác thư thái, bình an vô cùng. Khi thấy
mình đứng lơ ngơ chụp ảnh, một sư thầy đã rất nhiệt tình chỉ cho mình những góc
đẹp của ngôi chùa. Quả thực đây là ngôi chùa đẹp nhất mình từng thấy, dù không
quá hoành tráng hay dát vàng lộng lẫy. Kiến trúc chùa được kết hợp hài hoà,
tinh tế giữa lối kiến trúc Cung đình Huế triều Nguyễn và các yếu tố bản địa.
Phần mộc chủ đạo trong thiết kế nội ngoại thất cùng các chi tiết trang trí tinh
xảo tạo cảm giác cổ xưa, trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi. Khuôn viên chùa
thoáng đãng, tràn ngập cây xanh và hoa lá, thật sự là một không gian quá đỗi
tuyệt vời.
Mình đã nán lại chùa khá muộn, chỉ để được nhẹ bước chân trần trên
hành lang lát gỗ, khẽ lướt tay qua từng lan can được chạm khắc công phu, tận
hưởng những tia nắng dịu nhẹ cuối ngày, hằng mong bình yên này sẽ theo mình
thật lâu.
Buổi sáng này thực ra cũng không có gì đặc biệt, chỉ là mình sửa
soạn đồ và trả phòng để đi Buôn Đôn. Cách hostel vài bước chân có một ngân
hàng, nơi mà mình đã lượn qua như cá cờ mấy ngày nay. Lúc mình đi ngang đó với
một balo to sụ trên lưng, máy ảnh và mũ tai bèo, một anh và một chú ở ngân hàng
đã gọi mình lại hỏi chuyện "con là phóng viên à, hay sinh viên đi
nghiên cứu, chú thấy con mấy hôm nay rồi, nhìn là biết không phải người ở
đây". "Dạ con đi du lịch thôi ạ". "Đi một mình hả, cá tính
quá, mũ tai bèo này, máy chụp hình này, oách ghê không. Vào đây con thấy BMT
sao, thấy con người trong này thế nào?". Sau khi nghe mình bày tỏ tình
cảm dạt dào với BMT, chú vui ra mặt, rồi hỏi mình tính đi đâu tiếp. Mình bảo đi
Buôn Đôn thì chú bảo Buôn Đôn không có gì đâu, nên đi hồ Lăk, ở đấy đẹp và còn
nguyên sơ lắm. Vậy là mình chẳng chút đắn đo, nghe theo lời chú quyết định đi
hồ Lăk ngay tắp lự.
Từ BMT có xe bus đi hồ Lăk, có thể đón xe tại nhiều điểm trong
trung tâm thành phố, nhưng vì muốn ngắm lại cây hoa gạo hôm trước nên mình đã
tới hẳn bến xe, đi bộ những năm cây số đó nhé. Mình không nhớ đã đi hết bao
lâu, có lẽ khá lâu vì còn ăn sáng trên đường và đủng đỉnh ngắm mây trời, cây lá
nữa. Ở đoạn đường đầu, chân mình gần như mất cảm giác sau hai ngày đi bộ quá nhiều,
nhưng may quá càng đi càng đỡ dần. Đến cây gạo, mình chỉ đứng ngắm chừng ba
phút gì đó, tự thấy bản thân có phần hâm dở. Dù vậy, giờ mình đã có thể rời BMT
mà không còn tiếc nuối chi nữa rồi. Vậy đó, buổi sáng cuối cùng ở Buôn Ma Thuột
của mình đó.
Xin mượn vài lời hát nói thay lời kết và cũng là tình cảm mình
dành cho Buôn Ma Thuột.
Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại
Một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi
Có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ
Không mang tên không mang tên người ơi ...
Nhận xét
Đăng nhận xét